Xử lý thức ăn thừa thế nào tốt cho sức khỏe?
Mỗi bữa, gia đình tôi thừa rất nhiều thức ăn nhưng chưa biết cách xử lý để tốt cho sức khỏe, xin lời khuyên của chuyên gia? (Hằng, 37 tuổi, Thái Nguyên)
Trả lời:
Trong vòng hai giờ sau khi nấu, thức ăn cần được bảo quản trong ngăn mát tủ lạnh. Tuy nhiên, do đã qua sử dụng nên những thực phẩm thừa như thịt, cá, trứng... có nguy cơ bị vi sinh vật xâm nhập, vì vậy trước khi cho vào tủ lạnh, bạn nên hâm nóng lại, giống như một cách thanh trùng, sau đó bọc lại.
Thức ăn thừa cần được bảo quản dưới 5 độ C và ít nhất 60 độ C khi hâm nóng lại. Lưu ý, bọc thức ăn trong bao bì kín khí hoặc hộp bảo quản thực phẩm để ngăn chặn vi khuẩn xâm nhập, giữ độ ẩm và ngăn ngừa thức ăn lẫn mùi từ các thực phẩm khác trong tủ lạnh. Thức ăn chín bảo quản lạnh phải được đun kỹ trở lại trước khi ăn, bởi nếu chỉ hâm là không đủ để vô hiệu hóa độc tố.
Tránh để tủ chật kín thức ăn, bởi không khí lạnh bên trong sẽ không thể lưu thông, không chỉ gây lãng phí điện mà còn làm giảm hiệu quả làm mát, rút ngắn thời gian bảo quản thực phẩm. Bạn nên để tủ lạnh đầy khoảng 8 phần và thường xuyên vệ sinh bên trong. Đặc biệt, không để lẫn thức ăn sống - chín để tránh tình trạng lây nhiễm chéo.
Nhiều người cho rằng để đồ ăn qua đêm sẽ tạo ra nitrit dễ gây ung thư, điều này không đúng. Về nguyên lý, nitrit sau khi vào dạ dày có thể phản ứng (dưới tác dụng của axit dạ dày) để tạo thành chất nitrosamine gây ung thư. Tuy nhiên, phản ứng này cần phải có điều kiện mới xảy ra, bởi không phải thực phẩm nào cũng chứa nitrit. Hơn thế, ung thư do rất nhiều yếu tố tác động, không phải tiêu thụ đồ thừa để qua đêm là mắc bệnh.