Vỡ tim khi tập tạ do nhồi máu cơ tim thầm lặng
TP HCMNgười đàn ông 59 tuổi đang nâng tạ thì lên cơn khó thở, tím tái, ngã gục xuống đất, bác sĩ phát hiện vỡ thủng tim trên nền nhồi máu cơ tim.
Ngày 10/7, TS.BS Bùi Minh Thành, Trưởng Khoa Phẫu thuật Tim, Bệnh viện Nhân dân Gia Định, cho biết bệnh nhân vào viện cấp cứu trong tình trạng lơ mơ, tay chân lạnh, mạch nhanh, huyết áp không đo được. Tri giác bệnh nhân xấu dần, độ bão hòa oxy máu (SpO2) giảm mạnh. Siêu âm tim tại giường ghi nhận tràn dịch màng tim nhiều, bề dày lớp dịch khoảng 25 mm đè sụp thất phải. Bác sĩ quyết định chọc hút dịch màng ngoài tim giải áp. Tuy nhiên, việc chọc hút không thành công, khả năng do máu đông đóng bánh.
Sau hội chẩn khẩn cấp, bệnh nhân được đưa vào phòng mổ tim song tình trạng trụy tim càng nặng hơn, mạch khó bắt, huyết áp không đo được, tím toàn thân. Ông còn đi tiêu không tự chủ do thiếu máu não, tiếng tim không nghe được, men tim tăng cao gấp hơn 1.000 lần bình thường. Trước tình thế nguy nan, các bác sĩ vừa hồi sức tích cực cho bệnh nhân trong phòng mổ, vừa mở ngực cấp cứu.
Kíp mổ ghi nhận màng ngoài tim bệnh nhân rất căng, không đập, chứa đầy máu. Các bác sĩ hút ra khoảng 800 ml, tim được giải áp và đập nhanh nhưng bao bọc bởi một lớp máu đông khá dày. Chính lớp máu đông bao bọc xung quanh đã góp phần cứu sống bệnh nhân nhờ bít lỗ thủng tim và ngăn cản máu thoát ra ngoài tim, gây chèn ép tim.
Lấy toàn bộ lớp máu đông này, các bác sĩ phát hiện một vùng tím mềm ở thành sau thất trái, lan xuống phía mõm tim. Trên diện tím này có một vết thủng dài khoảng 7 mm, tim gần như rỗng. Ê kíp khâu đóng vết thủng tim trên nền nhồi máu cơ tim. Kỹ thuật này đòi hỏi phẫu thuật viên nhiều kinh nghiệm bởi mô cơ tim đã mũn nát, rất dễ rách lan rộng, đe dọa tính mạng người bệnh ngay trên bàn mổ.
"Một khó khăn nữa của ca mổ là nhồi máu cơ tim đang tiến triển, rất khó xác định đâu là giới hạn giữa vùng nhồi máu và vùng lành để đặt mũi khâu cho đúng", bác sĩ Thành nói.
Sau mổ, huyết áp bệnh nhân cải thiện dần, chức năng thận và gan hồi phục. Tuy nhiên, do thiếu máu não, bệnh nhân xuất hiện những cơn loạn thần và nói nhảm. Sau một tuần hồi sức tích cực, bệnh nhân mới được rút nội khí quản, cai máy thở, các dấu hiệu sinh tồn trở lại bình thường, tri giác hồi phục, tỉnh táo hoàn toàn và không đau ngực.
Bệnh nhân cho biết bị đau ngực trước nhập viện 5 ngày, cơn đau kéo dài hơn 10 phút. Bác sĩ nhận định thời điểm đó có thể bệnh nhân bị nhồi máu cơ tim và khoảng thời gian này đủ để làm cơ tim thiếu máu, âm thầm hoại tử. Để rồi, hoạt động gắng sức mạnh khi tập tạ sau đó có thể gây vỡ hay thủng tim.
Mặt khác, bệnh nhân bị nhồi máu cơ tim xuyên thành, vị trí nhồi máu ngay chỗ mỏng nhất của thất trái - cơ quan làm nhiệm vụ co bóp bơm máu đi nuôi cơ thể. Vị trí này dễ gây vỡ thất trái, dẫn đến tử vong nhanh nếu không can thiệp kịp thời. Thông thường trường hợp này đến viện sớm, bệnh nhân sẽ được chụp mạch vành để xác định chính xác vị trí động mạch vành bị tắc nghẽn, sau đó bác sĩ hội chẩn để có phương pháp điều trị thích hợp.
Bác sĩ khuyến cáo mọi người tập luyện phù hợp với độ tuổi và tình trạng sức khỏe, không nên gắng sức. Khi có dấu hiệu đau ngực, kéo dài hơn 10-15 phút, đau gây ngưng thở, đến viện khám để phát hiện, điều trị và theo dõi cơn đau thắt ngực hay nhồi máu cơ tim "thầm lặng" kịp thời.