Viêm sụn vành tai do xỏ khuyên
TP HCMBa ngày sau khi bấm lỗ xỏ khuyên, vành tai của Lê, 20 tuổi, sưng phồng, vết thương rò mủ do viêm sụn gây nhiễm trùng.
Lê đến Phòng khám Đa khoa Tâm Anh Quận 7 khám, BS.CKI Nguyễn Tri Minh Trí, Đơn vị Tai Mũi Họng, cho biết khuyên xỏ tai làm thủng da, tạo điều kiện vi khuẩn xâm nhập dẫn tới nhiễm trùng. Nhiễm trùng kéo dài vừa hủy hoại sụn vừa gây gián đoạn quá trình nuôi dưỡng sụn. Nếu không điều trị kịp thời, Lê có nguy cơ bị co rút vành tai, giảm kích thước và không cân đối với bên tai còn lại, ảnh hưởng đến thẩm mỹ, tâm lý.
Người bệnh được bác sĩ lấy mủ nuôi cấy ghi nhận nhiễm vi khuẩn Pseudomonas aeruginosa, xử lý phần sụn hoại tử rồi dẫn lưu mủ, truyền kháng sinh.
Bác sĩ Trí cho biết gần đây Phòng khám Đa khoa Tâm Anh quận 7 và Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh tiếp nhận khoảng 30 trường hợp viêm sụn vành tai, đa phần là thanh thiếu niên. Nhiều trường hợp viêm nặng, phải loại bỏ nhiều sụn hoại tử gây sẹo xấu, ảnh hưởng đến thẩm mỹ của vành tai và tổng thể chung khuôn mặt.
Phần 2/3 trên của vành tai là vị trí dễ viêm sụn nhất. Lỗ xỏ khuyên phá vỡ hàng rào bảo vệ, tạo điều kiện cho vi khuẩn xâm nhập vào màng sụn và sụn vành tai. Tác nhân gây bệnh phổ biến là vi khuẩn Pseudomonas aeruginosa và Staphylococcus aureus, trong đó Pseudomonas aeruginosa có nguy cơ gây áp xe (túi mủ hình thành khi bị nhiễm trùng) cao hơn.
Phương pháp điều trị viêm sụn vành tai là rạch dẫn lưu mủ, nạo vét sụn hoại tử nếu có và sử dụng kháng sinh. Một số trường hợp tổn thương nhỏ, chưa hủy sụn, có thể được điều trị nội khoa. Tình trạng không ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe nhưng điều trị và phục hồi hình dạng vành tai ban đầu sau viêm sụn vành tai khó khăn, theo bác sĩ Trí.
Phòng ngừa viêm sụn vành tai bằng cách hạn chế bấm khuyên phức tạp hoặc nhiều lỗ khuyên xuyên sụn vành tai. Đảm bảo dụng cụ thủ thuật vô trùng. Khi có dấu hiệu viêm sụn hoặc chấn thương vành tai, nên đến bệnh viện khám và không tự điều trị tại nhà.