Viêm mào tinh hoàn
Viêm mào tinh hoàn gây đau bìu cấp tính ở người lớn, là biến chứng trong bệnh cảnh nhiễm khuẩn lây truyền qua đường tình dục.
Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi ThS.BS Thái Văn Thống, Khoa Lâm sàng 3, Bệnh viện Da liễu TP HCM.
Nguyên nhân
- Viêm mào tinh hoàn cấp (<6 tuần) thường do các nhiễm khuẩn lây truyền qua đường tình dục như lậu, chlamydia, Mycoplasma genitalium... hoặc các sinh vật đường ruột, ví dụ Escherichia coli, gây ra.
- Viêm mào tinh hoàn cấp do vi khuẩn đường ruột có thể xảy ra ở nam giới quan hệ tình dục qua đường hậu môn.
- Viêm mào tinh hoàn cấp do nhiễm khuẩn lây truyền qua đường tình dục thường đi kèm với viêm niệu đạo (có hoặc không có triệu chứng).
Dấu hiệu và triệu chứng
- Khởi phát cấp tính, sưng đau một bên bìu.
- Có thể kèm theo các triệu chứng của viêm niệu đạo như tiết dịch niệu đạo, tiểu khó, kích thích niệu đạo (nhưng thường không có triệu chứng); hoặc nhiễm trùng tiểu như tiểu khó, tiểu gấp, tiểu lắt nhắt.
- Mào tinh toàn sưng căng đau, bìu phù đỏ, tràn dịch màng tinh, sốt.
Chẩn đoán
- Viêm mào tinh hoàn là một chẩn đoán lâm sàng.
- Tuy nhiên bác sĩ cũng cần nhiều cận lâm sàng để xác định chẩn đoán, định hướng tác nhân, tiên lượng bệnh:
Xạ hình tinh hoàn.
Siêu âm.
Nhuộm soi dịch tiết niệu đạo.
Tổng phân tích nước tiểu.
Soi tươi cặn lằng nước tiểu đầu dòng.
PCR.
Cấy vi khuẩn và kháng sinh đồ.
Công thức máu.
CRP.
Chẩn đoán phân biệt
- Xoắn tinh hoàn là chẩn đoán phân biệt quan trọng. Đây là một trường hợp cấp cứu ngoại khoa.
- Nếu một thanh niên hoặc thiếu niên sưng đau tinh hoàn đột ngột thì cần chẩn đoán là xoắn tinh hoàn cho đến khi được chứng minh ngược lại.
- Cứu tinh hoàn trong vòng 6 giờ kể từ khi khởi phát, nếu không tiên lượng sẽ xấu dần theo thời gian.
Biến chứng
Viêm mào tinh hoàn có thể dẫn tới các biến chứng nguy hiểm như:
- Áp xe mào tinh hoàn.
- Viêm tinh hoàn - áp xe tinh hoàn.
- Nhiễm trùng huyết: khi nhiễm trùng nặng, có thể đe dọa tính mạng.
- Đau mạn tính.
- Vô sinh: viêm mào tinh hoàn hai bên có thể dẫn đến vô sinh do tắc nghẽn các ống dẫn tinh do sự xơ hóa quanh ống.
Điều trị
Cần điều trị kháng sinh để tiêu diệt vi khuẩn, cải thiện các dấu hiệu và triệu chứng, ngăn ngừa lây truyền chlamydia và lậu sang người khác, giảm nguy cơ biến chứng.