Viêm loét miệng tái phát
Vết lở ở miệng, môi, lưỡi do chế độ ăn uống thiếu rau quả, dùng thuốc chưa đúng, 7-10 ngày lại tái phát khiến người bệnh chán ăn, sụt cân.
Viêm loét miệng (nhiệt miệng) là những ổ loét nông, nhỏ trên bề mặt niêm mạc khoang miệng, lưỡi, nướu... gây đau rát. Bệnh do nhiều nguyên nhân như tổn thương có sẵn ở miệng kết hợp với các tác nhân gây bệnh như virus, vi khuẩn, thay đổi nội tiết tố, thiếu hụt chất dinh dưỡng (vitamin B12, kẽm, axit folic, sắt), sức đề kháng suy giảm... Các tổn thương ở khoang miệng còn có thể do sử dụng bàn chải đánh răng to, quá cứng hoặc vô ý cắn vào niêm mạc miệng, lưỡi.
Ngày 22/5, thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Thị Hương, Trung tâm Tai Mũi Họng, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, cho biết nhiều người bệnh viêm loét miệng uống không đúng thuốc điều trị khiến bệnh kéo dài. Thói quen ăn uống thiếu rau xanh, uống nhiều rượu bia, không đủ nước, ăn đồ cay nóng cũng dễ tái phát bệnh. Người bị viêm loét miệng ăn uống khó khăn dẫn đến chán ăn, bỏ bữa. Không đảm bảo dinh dưỡng cho cơ thể làm suy giảm sức đề kháng chống lại bệnh, lâu khỏi hơn.
Như ông Thắng, 75 tuổi, xuất hiện những vết lở ở vùng môi, bôi thuốc bớt nhưng 7-10 ngày lại tái phát. Gần đây, những vết lở xuất hiện ngày càng thường xuyên, khắp miệng lưỡi, ăn uống không được vì đau nhiều. Kết quả nội soi họng tại Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM cho thấy các vết lở ở nhiều vị trí trong miệng, họng.
Bác sĩ Hương chẩn đoán ông Thắng bị viêm loét niêm mạc miệng tái diễn với mức độ nặng. Bác sĩ Hương kê kháng sinh, chống viêm, giảm đau, vitamin, súc họng và thuốc bôi. Ông Thắng thường xuyên uống rượu, ít ăn rau xanh, củ quả. Bác sĩ hướng dẫn ông điều chỉnh chế độ ăn uống. Tái khám sau một tuần, tình trạng bệnh cải thiện. Ông Thắng không còn những vết lở trong miệng, ăn uống không khó khăn như trước, được bác sĩ kê toa bổ sung vitamin, hướng dẫn chế độ ăn uống và sinh hoạt để phòng ngừa tái phát.
Tương tự, chị Trâm, 30 tuổi, một năm nay, miệng thường xuyên có nhiều vết lở, nóng rát ở miệng, lưỡi, ăn uống sinh hoạt khó khăn, sút cân. Chị Trâm thấy bệnh ngày càng nặng, vết loét tự bôi thuốc ngày càng lâu lành, lo lắng, sợ bị ung thư hay mắc bệnh nguy hiểm nào khác nên đến Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM khám.
Bác sĩ Hương cho biết chị Trâm bị viêm loét miệng gây đau, nóng rát dẫn đến chán ăn, chưa phát hiện dấu hiệu nghi ngờ ung thư. Người bệnh được điều trị nội khoa và hẹn tái khám sau một tuần.
Trong thời gian này, chị cần giảm căng thẳng, điều chỉnh chế độ sinh hoạt, hạn chế các loại quả nhiều axit như chanh, mận xanh; thực phẩm cay và nóng, quá khô hoặc quá cứng; cà phê, nước ngọt; thức ăn nhiều dầu mỡ. Thay vào đó, chị nên bổ sung thực phẩm giảm viêm (sữa chua); giàu vitamin và khoáng chất (sữa, các loại hạt, rau lá xanh, quả); thức ăn mềm, lỏng, ít gia vị; vệ sinh răng sạch sẽ.
Trong một số trường hợp vết loét ở lưỡi thường xuyên, kéo dài, không dứt, có dấu hiệu nghi ngờ ung thư, bác sĩ sẽ chỉ định thực hiện một số xét nghiệm. Nhiều người bị ung thư lưỡi nhưng tưởng viêm loét miệng vì dấu hiệu dễ nhầm lẫn. Triệu chứng nhiệt miệng gồm các vết loét ở lưỡi, môi, lợi hay má trong, vết loét thường có thể tự lành trong 5-7 ngày.
Còn ung thư lưỡi bắt đầu bằng những vết loét kéo dài ở lưỡi, sau đó phát triển thành các ổ loét kích thước to, tổn thương nặng, chai cứng, dễ bị chảy máu khi va chạm nhẹ, không tự lành và không đáp ứng điều trị thông thường. Ung thư lưỡi triệu chứng dễ phát hiện nhưng thường bị bỏ qua do bệnh nhân chủ quan. Nếu bệnh được phát hiện ở giai đoạn sớm, hiệu quả điều trị cao.
Bác sĩ Hương khuyến cáo người có dấu hiệu bất thường, các vết loét ở vùng khoang miệng điều trị không dứt, lâu lành nên đi khám sớm, tầm soát ung thư để chẩn đoán bệnh, điều trị kịp thời.