Viêm hạch cổ có nguy hiểm?
Tôi đi khám được chẩn đoán viêm hạch cổ, đây là bệnh gì, có nguy hiểm không? (Hoa Hồng, 34 tuổi, Bạc Liêu)
Trả lời:
Viêm hạch cổ là tình trạng hạch bạch huyết ở cổ sưng to do chống lại nhiễm trùng. Khoảng 40-80% trường hợp viêm hạch cổ một bên cấp tính do liên cầu khuẩn hoặc nhiễm tụ cầu. Viêm hạch cổ cấp tính ở hai bên thường do virus đường hô hấp trên hoặc liên cầu khuẩn.
Viêm hạch cổ khiến vùng da tại vị trí này có dấu hiệu sưng to, tấy đỏ, cảm giác ấm ấm và đau. Tùy vào nguyên nhân gây bệnh, các triệu chứng có thể xảy ra như sốt, đau họng, ho, biếng ăn, nhức mỏi... Bệnh tiến triển dẫn đến biến chứng đau, gây khàn tiếng hoặc ho, tê và ngứa ran, khó thở.
Hầu hết viêm hạch cổ lành tính, không nguy hiểm và không cần điều trị, nhất là khi các hạch bạch huyết nhỏ, mềm và di động. Tuy nhiên, bạn cần theo dõi trong 2-4 tuần và tái khám để kiểm tra. Một số trường hợp, bác sĩ chỉ định điều trị viêm hạch cổ bằng thuốc kháng sinh đường uống.
Khi viêm hạch cổ không giảm sau 4-6 tuần, bác sĩ có thể chỉ định sinh thiết để chẩn đoán, nhất là khi hạch bạch huyết ở vùng thượng đòn hoặc hạch lớn hơn 1,5 cm.
Một số ít trường hợp hạch cổ là dấu hiệu cảnh báo bệnh ác tính như u nguyên bào thần kinh, bệnh bạch cầu, ung thư hạch, ung thư cơ vân... Đây cũng có thể là dấu hiệu của các bệnh Kawasaki, bệnh mạch máu do collagen, bệnh huyết thanh.
Trẻ nhỏ thường bị viêm hạch hạch cổ hơn. Trẻ sơ sinh thường mắc bệnh viêm hạch bạch huyết ở cổ do virus S.aureus, liên cầu khuẩn nhóm B và bệnh Kawasaki. Sự hiện diện của hạch bạch huyết cổ là đặc điểm quan trọng của bệnh Kawasaki. Bệnh này gây ra các triệu chứng đi kèm như sốt từ 5 ngày trở lên, viêm kết mạc hai bên, viêm ở niêm mạc hầu họng, ban đỏ hoặc phù nề các chi ngoại biên và phát ban đa dạng.
Trẻ 1-4 tuổi thường bị viêm hạch cổ do virus S.ureus, liên cầu khuẩn tan máu β nhóm A và vi trùng lao. Trẻ 5-15 tuổi thường bị nổi hạch cổ do vi khuẩn kỵ khí, bệnh toxoplasmosis, mèo cào và bệnh lao. Ở trẻ 6 tuổi, ung thư hạch Hodgkin là nguyên nhân phổ biến khiến khối u xuất hiện ở hạch bạch huyết cổ.
Người bệnh xuất hiện hạch cổ và vị trí khác trên cơ thể là dấu hiệu cảnh báo viêm khớp dạng thấp thiếu niên, lupus ban đỏ hoặc bệnh huyết thanh.
Phòng ngừa viêm hạch cổ bằng cách ăn uống khoa học, lành mạnh, hạn chế thực phẩm chứa chất bảo quản. Tập thể dục 30 phút mỗi ngày giúp tăng cường thể lực, nâng cao sức đề kháng. Đeo khẩu trang khi ra đường để bảo vệ đường hô hấp, giữ ấm cơ thể, cổ, họng để tránh các bệnh viêm họng, cảm.