Viêm amidan phì đại khiến trẻ ngủ ngáy
Amidan sưng to, tái phát viêm nhiều lần làm hẹp khoang họng, cản trở đường thở khiến trẻ ngủ ngáy, có nguy cơ biến chứng.
Ngày 20/6, ThS.BS.CKI Diệp Phúc Anh, Trung tâm Tai Mũi Họng, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, cho biết trẻ ngủ ngáy do nhiều nguyên nhân như lệch vách ngăn mũi, polyp mũi, viêm mũi xoang, nhưng chủ yếu do viêm amidan, viêm VA quá phát.
Viêm amidan quá phát là tình trạng amidan sưng to, tái lại nhiều lần, chèn ép cuống họng, gây tắc nghẽn đường thở. Lúc này trẻ phải thở bằng miệng khi ngủ, gây ra tiếng ngáy. Nếu không được điều trị kịp thời, nguy cơ cao ngưng thở khi ngủ. Trẻ ngủ ngáy thường xuyên ảnh hưởng đến lượng oxy nhận khi ngủ. Điều này liên quan đến tình trạng suy giảm sự phát triển của não, các vấn đề tim mạch như huyết áp cao, tác động tiêu cực đến sức khỏe thể chất và tinh thần.
Mỗi tháng, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM tiếp nhận gần 100 trẻ dưới 7 tuổi ngủ ngáy do viêm amidan, viêm VA (tổ chức lympho ở vòm mũi họng) quá phát mà gia đình không biết.
Như Hiếu, 5 tuổi, ngủ ngáy hơn hai năm nay, cha mẹ bé nghĩ do di truyền từ ông, không đưa bé đi khám. Bé thường xuyên sốt, thi thoảng khó thở, thở chủ yếu bằng miệng. Bác sĩ chẩn đoán viêm amidan, viêm VA, điều trị nội khoa.
Hai tháng gần đây, bé ngủ ngáy to hơn trước, mệt khi thức dậy, viêm amidan tái phát thường xuyên, sốt cao, đến Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM khám. Kết quả nội soi tai mũi họng cho thấy amidan sưng to và đọng mủ màu trắng, viêm mũi nhầy đục.
Bác sĩ Phúc Anh cho biết bệnh nhi bị viêm amidan quá phát độ 3, sung huyết, viêm VA quá phát. Amidan bé sưng to gây tắc nghẽn đường thở, khiến bé phải thở bằng miệng khi ngủ, phát ra tiếng ngáy. Bệnh nhi thở bằng miệng tạo điều kiện cho vi khuẩn, virus tấn công, khiến viêm amidan tái phát thường xuyên (hơn 5 lần một năm).
Tương tự, Vũ, 6 tuổi sốt cao 39 độ C, amidan sưng tấy, đỏ, tiết dịch mủ, chán ăn, ngủ ngáy, đến Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM khám. Kết quả nội soi, xét nghiệm cho thấy bệnh nhi bị viêm amidan quá phát và viêm VA quá phát.
Hai bệnh nhi được điều trị nội khoa nhưng không cải thiện, được chỉ định phẫu thuật cắt amidan, nạo VA. Bác sĩ Phúc Anh giải thích, lúc này amidan của hai bé không còn chức năng miễn dịch mà có thể trở thành ổ nhiễm trùng. Nếu không điều trị kịp thời có thể gây biến chứng như nhiễm trùng đường hô hấp, viêm khớp, viêm cầu thận...
Hiếu và Vũ được phẫu thuật cắt amidan bằng phương pháp Coblator công nghệ plasma và nạo VA qua nội soi. Phương pháp này loại bỏ triệt để ổ viêm, không làm tổn thương các mô xung quanh, cầm máu tại chỗ, giúp ít mất máu. Thời gian phẫu thuật khoảng 30-45 phút, bệnh nhi xuất viện trong 24 giờ, theo bác sĩ Phúc Anh. Tái khám sau hai tuần, hai bệnh nhi không còn ngủ ngáy, viêm đường hô hấp cải thiện, khả năng lành thương tốt.
Bác sĩ chỉ định phẫu thuật cắt amidan trong các trường hợp viêm amidan gây tắc nghẽn đường thở, tái lại thường xuyên. Thông thường, trẻ từ 4 tuổi trở lên có thể cắt amidan vì lúc này hệ miễn dịch đáp ứng tương đối với phẫu thuật.
Bác sĩ Phúc Anh khuyến cáo phụ huynh khi thấy con ngủ ngáy hơn hai tuần, thở hổn hển hoặc khó thở khi ngủ, sốt, khô rát, đau họng, ăn uống kém nên đưa bé đi khám. Bác sĩ tai mũi họng sẽ nội soi, đánh giá tình trạng bệnh, từ đó có phương pháp điều trị kịp thời.
Để phòng ngừa viêm nhiễm đường hô hấp trên nói chung, viêm amidan ở trẻ nói riêng, người lớn nên vệ sinh răng miệng cho con bằng nước muối sinh lý mỗi ngày. Cho trẻ uống đủ nước, hạn chế tiếp xúc môi trường khói và bụi, đeo khẩu trang khi ra ngoài, bổ sung chất dinh dưỡng giúp trẻ tăng sức đề kháng. Mùa đông cần giữ ấm vùng mũi họng cho trẻ.