Vì sao tiểu không tự chủ sau sinh?
Tình trạng mất kiểm soát phản xạ đi tiểu sau sinh do tổn thương lớp cân cơ sàn chậu, ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống.
Khi mang thai em bé thứ hai, chị Hương (32 tuổi, Hà Nội) có hiện tượng rò rỉ nước tiểu khó kiểm soát vào hai tháng cuối thai kỳ. Sau sinh, tình trạng này có dấu hiệu nặng, chị tiểu lắt nhắt, són tiểu khi ho, hắt hơi. Đôi khi gần gũi với chồng, chị không kiểm soát được việc tiểu tiện. Điều này ảnh hưởng đến chất lượng đời sống "chăn gối".
Chị Vân Anh (50 tuổi, Thái Bình) cũng mắc chứng són tiểu nặng, kéo dài. Sau khi sinh nở lần ba, chị bắt đầu mất kiểm soát trong việc tiểu tiện. Khi hiện tượng són tiểu nặng hơn, chị Vân Anh mới đến viện thăm khám.
Theo ThS.BS Đinh Thị Hiền Lê - Trung tâm Sản phụ khoa, BVĐK Tâm Anh Hà Nội, đối với phụ nữ từng sinh nở, nguyên nhân của chứng són tiểu do khi mang thai, tử cung lớn dần, chèn ép vào bàng quang, toàn bộ lớp cơ đáy chậu (sàn chậu). Khi sinh, thai nhi được đưa ra ngoài ảnh hưởng đến trương lực cơ bàng quang hoặc làm giãn, suy yếu hay tổn thương lớp cân cơ sàn chậu. Bên cạnh đó, tình trạng này do nguyên nhân khác gây nên như: sinh con to, tác dụng phụ gây tê màng cứng, rách cửa mình, mổ sa sinh dục...
Són tiểu sau sinh là hiện tượng sinh lý bình thường, có thể giảm nhẹ, mất hẳn sau 2-3 tháng sau sinh. Tuy nhiên, bác sĩ Lê thông tin, không ít trường hợp chứng són tiểu phát triển nặng dần, cần điều trị sớm. Tuy nhiên, đa số người bệnh thường giấu kín do tâm lý ngại ngùng, xấu hổ.
Những tác động của quá trình mang thai, sinh nở ảnh hưởng trực tiếp đến cơ chế điều tiết nước tiểu, hoạt động co thắt cơ vùng hậu môn, âm đạo, có thể dẫn đến són phân hoặc suy giảm cảm giác tình dục.
Để điều trị chứng són tiểu, chị em cần đến khám ở cơ sở y tế chuyên sản phụ khoa. Chị em thực hiện các bài tập phục hồi chức năng cơ sàn chậu (Kegel).
Bệnh nhân có thể được phẫu thuật để phục hồi chức năng, nâng đỡ sàn chậu. Hiện, hai phương pháp điều trị són tiểu an toàn, phổ biến là: phẫu thuật TVT (băng nâng đỡ âm đạo TVT) và phẫu thuật TOT. Trong đó, phương pháp phẫu thuật TOT (đặt dải băng nâng đỡ niệu đạo qua lỗ bịt) dễ thực hiện với nhiều đối tượng. Phẫu thuật nhanh, chỉ khoảng 15-20 phút, thời gian theo dõi tại bệnh viện một ngày. Ngay sau khi ra viện, người bệnh có thể sinh hoạt, vận động bình thường, lưu ý tránh hoạt động cường độ mạnh.
Bác sĩ Hiền Lê khuyến cáo, chứng són tiểu có thể gây ra tình trạng viêm nhiễm vùng kín, làm suy giảm chất lượng sống hàng ngày. Do đó, chị em chủ động phòng từ trong thai kỳ bằng cách tuân thủ lịch theo dõi thai sản tại cơ sở y tế chuyên khoa, tái khám sau sinh.
Nếu mẹ bầu không có bệnh lý tim mạch, hen suyễn, bệnh nội khoa nặng không cho vận động, thai kỳ không có những vấn đề như: đau bụng, ra huyết, dọa sảy thai... thì nên tham gia lớp tập sàn chậu phòng tránh són tiểu từ tuần thứ 16 của thai kỳ. Bác sĩ sẽ hướng dẫn bài tập giúp săn chắc vùng cơ sàn chậu, khắc phục việc hở cơ bụng khi mang thai. Điều này giúp ngăn chặn són tiểu, sa sinh dục sau sinh.
Ngoài ra, bác sĩ Hiền Lê gợi ý một số yếu tố có thể hỗ trợ kiểm soát vùng sàn chậu, són tiểu trong, sau thai kỳ như: hạn chế tăng cân quá nhiều trong quá trình mang thai, kiểm soát huyết áp thường xuyên, rặn đẻ theo chỉ dẫn, tránh mang vác đồ vật nặng. Chị em không nên sử dụng đai lưng ngay sau sinh.
Chuyên gia thông tin, tình trạng són tiểu ở phụ nữ sau sinh, độ tuổi tiền mãn kinh, mãn kinh không hiếm. Nhiều mẹ bầu cũng gặp hiện tượng này trong thai kỳ. Thống kê cho thấy, cứ 3 người phụ nữ từng mang thai, sinh nở sẽ có một trường hợp bị són tiểu. Gần 50% phụ nữ trên 40 tuổi bị són tiểu, 40% chị em trên 50 tuổi bị sa ít nhất một cơ quan vùng chậu như ruột, bàng quang, tử cung, trực tràng.