Vì sao chỉ 62 bệnh được phép 'vượt tuyến'?
Trong hàng nghìn bệnh lý nghiêm trọng, Bộ Y tế chỉ chọn 62 bệnh được vượt tuyến thẳng lên cấp chuyên sâu nhằm tránh quá tải và cân đối Quỹ Bảo hiểm Y tế (BHYT).
Hôm 2/1, bà Trần Thị Trang, Vụ trưởng Vụ BHYT, cho biết các bệnh này thuộc nhóm hiếm, hiểm nghèo, cần phẫu thuật hoặc kỹ thuật cao, mà các cơ sở y tế ở cấp thấp chưa đủ khả năng chẩn đoán, điều trị.
Danh mục 62 bệnh được công bố trong Thông tư hướng dẫn Luật BHYT, gồm các bệnh thuộc nhóm nhiễm trùng, ung thư, rối loạn chuyển hóa, bệnh lý thần kinh, tim mạch, dị tật bẩm sinh và những tình trạng đặc biệt như kháng thuốc chống lao, ghép tạng, di chứng chiến tranh...
Người mắc các bệnh này được phép đến thẳng cơ sở chuyên sâu mà không cần giấy chuyển viện, và hưởng đủ quyền lợi BHYT theo quy định.
Vì sao hạn chế vượt tuyến?
Theo bà Trang, nếu danh mục mở rộng như tất cả bệnh ung thư hoặc bệnh không lây nhiễm (tăng huyết áp, đái tháo đường), các bệnh viện lớn sẽ quá tải vì số lượng bệnh nhân quá lớn. Ví dụ, bệnh ung thư có hơn 1.000 mã bệnh, nhưng chỉ một số bệnh như u ác tính tuyến tụy, tuyến ức, não, tủy sống... được phép vượt tuyến.
Tương tự, với bệnh đái tháo đường, chỉ những người có biến chứng nghiêm trọng như loét bàn chân độ 2, bệnh thận mạn giai đoạn 3 trở lên hoặc kèm nhiều biến chứng khác như tim mạch, mắt, thần kinh mới được vượt tuyến lên cấp chuyên sâu.
"Việc lựa chọn phải dựa trên tính nghiêm trọng của bệnh, mức độ điều trị tại cấp ban đầu, để đảm bảo cân đối nguồn lực và quyền lợi người bệnh", bà Trang giải thích.
Thứ trưởng Y tế Trần Văn Thuấn cũng nhấn mạnh, việc quy định hạn chế vượt tuyến nhằm phân luồng hợp lý, tránh ảnh hưởng đến quyền lợi bệnh nhân nặng khác hoặc các trường hợp cấp cứu.
Quy định mới trong chuyển tuyến
Ngoài danh mục bệnh được vượt tuyến chuyên sâu, Thông tư cũng quy định 141 bệnh được chuyển viện trong thời hạn một năm kể từ ngày ký phiếu. Trước đây danh mục này là 62 bệnh, nay tăng thêm 79. Đặc biệt, giấy chuyển tuyến giờ đây có hiệu lực 12 tháng kể từ ngày ký, thay vì hết hiệu lực vào định kỳ cuối năm như trước đây.
Theo Luật Khám chữa bệnh, hệ thống khám chữa bệnh hiện chia thành 3 cấp chuyên môn: ban đầu, cơ bản, chuyên sâu, thay vì 4 tuyến trung ương, tỉnh, huyện, xã. Người tham gia BHYT có các mức hưởng 80%, 95%, và 100%.
Việc quy định cụ thể và chặt chẽ giúp giảm tải cho các cơ sở y tế chuyên sâu, đồng thời cân đối Quỹ BHYT, đảm bảo quyền lợi bệnh nhân nặng.