Vết thương nào cảnh báo biến chứng bàn chân tiểu đường?
Tôi mắc bệnh tiểu đường, muốn phòng ngừa biến chứng bàn chân nhưng không biết vết thương loại nào là biến chứng tiểu đường, ai có nguy cơ? (Thủy Hiền, 52 tuổi, TP HCM)
Trả lời:
Người bệnh tiểu đường có khả năng phát triển nhiều dạng vết thương do biến chứng tiểu đường khác nhau bao gồm:
Loét chân tiểu đường do chấn thương như tai nạn, bỏng tia xạ, bỏng do nhiệt, giẫm phải gai, đinh hoặc mảnh thủy tinh đâm vào... Đây là một trong những nguyên nhân thường gặp có thể phát triển nhiễm trùng, loét chân gây biến chứng bàn chân tiểu đường.
Loét do biến chứng thần kinh thường xuất hiện ở vùng gan bàn chân, loét phát sinh do người bệnh bị biến chứng thần kinh ngoại biên, mất cảm giác, tăng áp lực lâu dài lên các mô xương, biến dạng cấu trúc xương bàn chân. Các vết loét này thường có vết chai, mô xơ, mô tăng sừng.
Loét do thiếu máu xảy ra do giảm tưới máu nuôi da và mô dưới da bàn chân. Chúng thường xuất hiện ở phần xa trên mu bàn chân hoặc ngón chân, có màu xanh tím hoặc khi hoại tử chuyển sang màu đen.
Loét động mạch do giảm cung cấp máu đến chân. Đặc điểm vùng vết thương loét động mạch thường tái nhợt, bề mặt da lạnh, sưng, căng bóng, đau. Vết thương bị hoại tử hoặc hoại thư (mô hoại tử có nhiễm trùng).
Loét tĩnh mạch thường ở vị trí cẳng chân, từ dưới gối cho đến cổ chân, điển hình là xung quanh mắt cá chân. Biểu hiện là phù nề và có giãn tĩnh mạch.
Loét do nguyên nhân hỗn hợp gồm mụn nhọt, viêm mô tế bào...
Bọng nước tiểu đường phổ biến, chiếm khoảng 40% biến chứng bàn chân tiểu đường. Nguyên nhân hình thành bọng nước không được xác định rõ. Các bọng nước thường tiến triển sau các chấn thương nhẹ hoặc tiếp xúc nhiều với tia cực tím.
Biến chứng bàn chân tiểu đường thường gặp ở người tiểu đường type 2 liên quan đến thời gian mắc bệnh, tình trạng kiểm soát đường huyết. Biến chứng bàn chân tiểu đường có thể gặp ở bất cứ người bệnh tiểu đường nào không kiểm soát tốt các yếu tố nguy cơ, kể cả người bệnh trẻ tuổi.
Để phòng ngừa biến chứng bàn chân, bạn nên áp dụng một số cách gồm kiểm soát đường huyết và các bệnh đi kèm như rối loạn lipid máu, tăng huyết áp, không hút thuốc. Khám và tầm soát sớm biến chứng bàn chân tiểu đường định kỳ mỗi 6 tháng một lần.
Tại nhà, bạn tự kiểm tra từ trên xuống dưới bàn chân mỗi ngày, có thể nhờ người thân quan sát giúp bàn chân nếu bạn không nhìn thấy rõ. Nên chọn một thời điểm cố định trong ngày để dễ nhớ, chọn nơi có ánh sáng tốt, sử dụng một chiếc gương để dễ quan sát lòng bàn chân.