Uống rượu gây ung thư như thế nào
Ethanol trong rượu vào cơ thể sẽ chuyển hóa thành chất gây ung thư là acetaldehyde, làm tăng nguy cơ hình thành u ác tính ở thanh quản, thực quản, gan.
Thạc sĩ, bác sĩ Bùi Thị Nga, khoa Ung bướu, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội, cho biết thông tin trên, giải thích thêm rằng acetaldehyde có thể phá hủy DNA, ngăn tế bào sửa chữa tổn thương, khiến tế bào phát triển không kiểm soát và hình thành khối u. Cơ quan Nghiên cứu Ung thư Quốc tế (IARC) phân loại rượu là một trong những chất gây ung thư ở người.
Rượu còn làm cản trở quá trình hấp thụ vitamin A, B1, B6, C, D, E, K và folate, sắt và selen. Đây là các chất dinh dưỡng có vai trò bảo vệ cơ thể, nâng cao sức khỏe miễn dịch và ngăn ngừa ung thư. Uống rượu còn góp phần gây tăng cân do lượng calo dư thừa, trong khi thừa cân, béo phì có liên quan đến hơn 12 loại ung thư.
Theo bác sĩ Nga, đồ uống chứa cồn làm tăng nồng độ một số hormone trong cơ thể như nồng độ estrogen và hoạt hóa các thụ thể của yếu tố tăng trưởng giống insulin. Hormone là chất dẫn truyền hóa học, nồng độ estrogen và insulin cao hơn có thể khiến tế bào phân chia thường xuyên hơn, tăng khả năng phát triển ung thư. Ở người có thói quen uống rượu và hút thuốc, nguy cơ mắc ung thư cao hơn so với người chỉ uống rượu hoặc hút thuốc.
Tất cả đồ uống có cồn gồm cả rượu vang đỏ và trắng, bia, rượu mạnh đều có liên quan đến ung thư. Những loại ung thư phổ biến liên quan đến rượu gồm ung thư khoang miệng, hạ họng - thanh quản, thực quản, đại trực tràng, gan, vú (ở nữ giới), ung thư tuyến tiền liệt (ở nam giới). Người uống càng nhiều rượu, bia, đồ uống có cồn, nguy cơ mắc ung thư càng cao. Nguy cơ cao hơn nếu vừa uống rượu vừa hút thuốc.
Một số người cho rằng uống rượu vang đỏ đem đến nhiều lợi ích cho sức khỏe. Tuy nhiên, theo bác sĩ Nga, rượu vang đỏ có một số thành phần tốt cho tim mạch, nhưng khi uống rượu, tác hại và nguy cơ mắc bệnh thường nhiều hơn lợi ích. Thay vì uống rượu, mọi người có thể bảo vệ sức khỏe tim mạch bằng nhiều cách khác nhau như tập trung vào chế độ ăn lành mạnh, tập thể thao, ngủ nghỉ điều độ. Nếu gừng uống rượu, nguy cơ mắc các bệnh ung thư liên quan đến rượu giảm dần theo thời gian. Cần nhiều năm để loại bỏ hoàn toàn nguy cơ do rượu gây ra nhưng ngừng uống rượu là bước quan trọng để cải thiện sức khỏe và giảm nguy cơ ung thư.
Người mắc ung thư uống rượu có thể làm trầm trọng hơn các tác dụng phụ của thuốc điều trị đặc hiệu. Người bệnh dễ gặp các triệu chứng như buồn nôn, mất nước, viêm loét miệng, gây ảnh hưởng hoặc gián đoạn quá trình điều trị ung thư.
Nếu phải uống rượu, bác sĩ Nga gợi ý một số cách giúp giảm liều lượng như dùng ly cỡ nhỏ thay vì cỡ lớn, pha loãng đồ uống có cồn, uống chậm rãi thay vì cạn ly một lúc. Tránh đồ ăn có nhiều muối trong bữa tiệc vì có thể làm tăng cảm giác khát nước và uống rượu nhiều hơn. Chọn các hoạt động giải trí như tập thể dục, xem phim, đọc sách để giải tỏa căng thẳng thay vì uống rượu.