Uống bia nhanh hết nồng độ cồn hơn?
Tham gia nhiều bữa tiệc, vợ tôi dặn uống bia để an toàn và đào thải nồng độ cồn nhanh, điều này có đúng không? (Hoàng, 33 tuổi, Hà Nội).
Trả lời:
Thực tế, không có quá nhiều khác biệt về tác hại khi uống bia và rượu, vì cả hai đều là cồn, tuyệt đối không lạm dụng. Mức độ ngộ độc nặng hay nhẹ, đào thải nhanh hay chậm còn tùy thuộc vào lượng uống, cách uống, thời gian và tần suất uống. Trường hợp uống nhiều bia, gan kém, chuyển hóa chậm thì thời gian đào thải càng lâu. Chưa kể, người tửu lượng tốt thường chủ quan, có xu hướng uống nhiều bia, rượu hơn, gây hại sức khỏe, tăng nguy cơ ngộ độc.
Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đưa ra khái niệm đơn vị cồn như sau: Một đơn vị cồn tương đương với 10 g cồn ethanol nguyên chất, bằng 200 ml bia; 75 ml rượu vang (1 ly); 25 ml rượu mạnh (1 chén). Tùy vào lượng uống sẽ quy ra khoảng bao nhiêu đơn vị cồn.
Một người trưởng thành có sức khỏe bình thường trung bình cứ sau một giờ gan sẽ đào thải một đơn vị cồn. Tùy theo thể trạng mà quãng thời gian này có thể tăng lên hay giảm đi. Khoảng 10-15% cồn sẽ đào thải qua đường hô hấp, da, mồ hôi; khoảng 85-90% sẽ được xử lý qua gan.
Bác sĩ khuyến cáo người dân nên sử dụng rượu bia an toàn, đặc biệt là trong dịp Tết, lễ. điều độ khi uống rượu, nhất là dịp lễ, Tết. Nếu muốn sử dụng rượu, nên uống sau giờ làm việc, không điều khiển phương tiện giao thông sau uống. Tuyệt đối không sử dụng rượu có pha cồn công nghiệp, rượu không rõ nguồn gốc xuất xứ.
Khi thấy biểu hiện đau đầu, đau bụng, chóng mặt, hạ thân nhiệt, huyết áp... sau uống rượu, người dân cần tới các cơ sở y tế gần nhất để được thăm khám và điều trị kịp thời.