Ung thư tụy âm thầm khó phát hiện
Ung thư tụy thường được phát hiện ở giai đoạn muộn do không có triệu chứng rõ ràng, dễ nhầm với bệnh lý khác, tỷ lệ sống thấp.
Thông tin được PGS.TS. Nguyễn Công Long, Giám đốc Trung tâm Tiêu hóa - Gan mật, Bệnh viện Bạch Mai, cho biết tại Hội thảo khoa học Nội soi siêu âm can thiệp trong bệnh lý ống tiêu hóa và mật tụy 2024, ngày 26/10 ở Hà Nội. Đây là dịp các bác sĩ cập nhật kiến thức chuyên môn, trao đổi kinh nghiệm trong lĩnh vực tiêu hóa, nội soi.
Tụy là một tạng thuộc hệ tiêu hóa, nằm sau phúc mạc, sát thành bụng sau, phía trước tụy được che phủ bởi dạ dày. Tụy được chia thành ba phần chính lần lượt từ phải qua trái, gồm: đầu tụy, thân tụy, đuôi tụy. Ung thư tuyến tụy là những tổn thương ác tính xuất phát từ bất kỳ thành phần nào của mô tụy. Theo thống kê, 60-70% u nằm ở vùng đầu tụy, 20-25% nằm ở thân/đuôi tụy, u chiếm toàn bộ thể tích của tụy chiếm tỷ lệ thấp.
Theo Tổ chức Ung thư toàn cầu (GLOBOCAN) năm 2022, Việt Nam có hơn 1.250 người mắc mới ung thư tụy và 1.220 người chết vì bệnh này. Như vậy, số ca mắc mới và số ca tử vong tương đương nhau. Nguyên nhân gây ung thư tụy chưa được làm rõ. Một số yếu tố nguy cơ bao gồm hút thuốc lá, béo phì, di truyền, đái tháo đường, chế độ ăn, lối sống ít vận động.
Theo GS Long, ung thư tụy tiến triển âm thầm, ở giai đoạn sớm thường không có triệu chứng đặc hiệu, các biểu hiện lâm sàng mơ hồ, bệnh thường được phát hiện tình cờ. Bệnh nhân có thể bị đau thường ở vùng thượng vị, nên rất dễ nhầm với đau dạ dày. Một số dấu hiệu như đau bụng, vàng da, nước tiểu sẫm, cơ thể suy nhược, kèm chán ăn... có thể cảnh báo ung thư tụy.
"Đây là bệnh lý khó chẩn đoán do tụy nằm sau dạ dày, các xét nghiệm chỉ mang tính chất dự báo, còn chẩn đoán hình ảnh tiến bộ nhanh nhưng vẫn khó chẩn đoán ung thư tụy sớm", PGS Long nói.
Hiện nay kỹ thuật chẩn đoán ung thư tụy sớm đã nhiều tiến bộ, trong đó có nội soi siêu âm, theo PGS Long. Bệnh viện sử dụng máy nội soi có đầu dò siêu âm tần số cao, cho phép bác sĩ quan sát, phát hiện các tổn thương nhỏ - trước đây rất khó có thể đánh giá bằng siêu âm thông thường.
Siêu âm nội soi can thiệp có nhiều bước tiến, nhẹ nhàng, không đau đớn. Các bác sĩ có thể lấy mẫu bệnh phẩm ở tụy nghi ngờ ung thư qua siêu âm nội soi để chẩn đoán tổn thương có ung thư hay không, xem tổn thương đó đáp ứng thế nào với hóa chất, thuốc, từ đó có phác đồ điều trị phù hợp.
Tùy vị trí và giai đoạn bệnh có các phương pháp điều trị tương ứng. Đối với u vùng đầu tụy, phẫu thuật cắt khối tá tụy là phương pháp duy nhất có tính triệt căn, giúp kéo dài thời gian sống thêm cho bệnh nhân. Một số phương pháp khác như cắt khối tá tụy, nối tắt, mổ thăm dò, sinh thiết, điều trị hóa chất, hóa trị bổ trợ.
Người có nguy cơ cao cần tầm soát sớm gồm bệnh nhân bị viêm tụy cấp, viêm tụy tái phát, mạn tính; người lạm dụng rượu, hút thuốc, đặc biệt bệnh nhân đái tháo đường, béo phì liên quan đến rối loạn chuyển hóa.
Tại hội thảo, PGS.TS Đào Xuân Cơ, Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai, cho biết trong lĩnh vực tiêu hóa, các bệnh lý mật tụy ngày càng trở nên phổ biến. Ngày nay, các bác sĩ có thể thực hiện các kỹ thuật chuyên sâu như can thiệp đường mật tụy chuyên sâu dưới hướng dẫn của siêu âm nội soi, như đặt stent mật – ruột, can thiệp lấy tổ chức hoại tử tụy... để điều trị các bệnh lý viêm tụy, sỏi tụy, sỏi ống mật chủ. Bác sĩ nội soi phối hợp phẫu thuật viên để tối ưu phác đồ điều trị cho người bệnh.