Ung thư tinh hoàn
Ung thư tinh hoàn thường xuất hiện một bên, do các tế bào tinh hoàn, thường là tế bào mầm biến đổi làm tăng số lượng mất kiểm soát, hình thành u ác tính.
Đây là dạng ung thư ít gặp trong hệ thống tiết niệu nói riêng, trên cơ thể nói chung. Theo Tổ chức ghi nhận ung thư thế giới (GLOBOCAN) năm 2022, toàn cầu có khoảng 72.000 ca mắc mới ung thư tinh hoàn và khoảng 9.000 trường hợp tử vong, còn Việt Nam khoảng 260 ca mắc mới và tử vong là 60 người.
Theo bác sĩ Phạm Xuân Long, khoa Nam học, Trung tâm Tiết niệu - Thận học - Nam khoa, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, cho biết hiện chưa xác định rõ nguyên nhân gây ung thư tinh hoàn. Nam giới bị tinh hoàn lạc chỗ, tinh hoàn ẩn, teo tinh hoàn, có người thân tiền sử ung thư tinh hoàn... có nguy cơ mắc bệnh cao hơn.
Nam giới mắc loại ung thư này có triệu chứng như tinh hoàn sưng lớn, cứng, gây cảm giác nặng nề kèm đau âm ỉ tại vùng bụng, bẹn, dương vật. Một số trường hợp gặp tình trạng cường tuyến vú nam, khiến ngực đau nhức, mềm và lớn hơn. Khi phát sinh tình trạng khó thở, đau tức ngực, đờm lẫn máu, ung thư tinh hoàn có thể diễn tiến sang giai đoạn sau.
"Ung thư tinh hoàn có khả năng điều trị thành công cao, ngay cả khi tế bào ung thư đã di căn ra khỏi tinh hoàn", bác sĩ Long nói. Phẫu thuật cắt bỏ tinh hoàn là phương pháp được bác sĩ ưu tiên chỉ định. Nếu ung thư đã di căn, sau phẫu thuật, bác sĩ nạo hạch bạch huyết, ngoài ra có thể điều trị bằng hóa, xạ trị từ ban đầu hoặc bổ sung sau mổ.
Điều trị bằng phương pháp nào cũng ảnh hưởng đến khả năng sản xuất tinh trùng, có thể khiến nam giới vô sinh. Do đó, bác sĩ Long khuyên nam giới mắc ung thư tinh hoàn có nguyện vọng có con cân nhắc bảo quản tinh trùng trước khi bắt đầu quá trình chữa bệnh.
Hiện chưa có biện pháp phòng ngừa bệnh này. Nam giới cần đến bệnh viện khám sớm ngay khi phát hiện tinh hoàn sưng to bất thường. Người từng điều trị ung thư tinh hoàn cần tái khám định kỳ để theo dõi, kịp thời phát hiện bệnh tái phát.