Ung thư đại tràng lần thứ ba
TP HCMCụ Dung, 94 tuổi, từng hai lần phẫu thuật đại tràng điều trị ung thư, nay xuất hiện u ác tính phải cắt lần nữa để triệt căn.
Cụ Dung được phẫu thuật cắt đại tràng sigma, đại tràng phải vào các năm 2016, 2017. Gần đây, cụ mệt mỏi, khó tiêu, đau âm ỉ ở bụng, đến Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM khám. Kết quả nội soi đại tràng cho thấy một polyp kích thước 15 mm ở đại tràng ngang và một tổn thương dạng u ở đại tràng ngang góc lách, dễ chảy máu. Sinh thiết ghi nhận ung thư biểu mô tuyến xâm nhập, còn polyp có các tuyến ống lành tính nhưng biểu hiện hóa ác trong tương lai.
Ngày 17/12, tiến sĩ, bác sĩ Đỗ Minh Hùng, Giám đốc Trung tâm Nội soi và Phẫu thuật Nội soi Tiêu hóa, cho biết ung thư lần ba không hiếm gặp song cũng không phổ biến. U ác tính ở đại tràng ngang góc lách của cụ Dung mới xuất hiện, không phải do di căn hay tái phát vì hai lần trước đã phẫu thuật triệt căn. "Ung thư tái phát là xuất hiện trở lại trong vòng 5 năm sau mổ, còn cụ Dung mổ đã 7 năm nên lần này ung thư nguyên phát", bác sĩ Hùng giải thích.
Cụ Dung bị thoát vị ở vị trí vết mổ cũ, nếu không được xử lý, ruột có thể sa ra ngoài gây tắc ruột phải mổ cấp cứu. Phẫu thuật sớm còn tránh u phát triển nhanh trong thời gian ngắn, chèn ép gây đau, chảy máu. Người bệnh lớn tuổi, từng phẫu thuật hai lần nên đại tràng viêm dính nhiều, nguy cơ sau mổ nhiễm trùng, tụ dịch bụng, tắc ruột, xì rò tiêu hóa cao. Các bệnh nền như huyết áp, tiểu đường có thể khiến người bệnh suy tim, suy hô hấp. "Ca mổ khó song ung thư giai đoạn này vẫn có thể phẫu thuật, tổng trạng người bệnh vừa đủ đáp ứng nên có khả năng thành công", bác sĩ Hùng nói.
Ban đầu, các bác sĩ chọn phẫu thuật nội soi, xâm lấn tối thiểu cho người bệnh. Tuy nhiên, quá trình kiểm tra cho thấy ruột, mạc nối dính chằng chịt nên quyết định mổ hở.
Bác sĩ rạch dưới rốn một đoạn dài 15 cm vào bụng, gỡ dính mạc nối lớn, ruột non với thành bụng. Do kiểm tra bằng tay không xác định được khối u, bác sĩ phải nội soi đại tràng, kết quả phát hiện u kích thước 1,5 x 2 cm. Êkíp cắt đoạn đại tràng trên dưới cách khối u 5 cm, khâu lại lỗ mở đại - đại tràng (nối đại tràng với nhau), mạc treo, khâu phục hồi thành bụng chỗ thoát vị.
Hậu phẫu, cụ Dung hồi phục tốt, vết mổ khô, bớt đau, đi lại được, xuất viện sau 7 ngày. Kết quả giải phẫu là ung thư biểu mô tuyến thể thông thường, giai đoạn một, người bệnh không cần điều trị bổ sung, chỉ thăm khám sức khỏe định kỳ mỗi 6 tháng. Sau khi sức khỏe ổn định, cụ sẽ được nội soi cắt polyp đại tràng ngang do có khả năng hóa ác.
Ung thư đại tràng phổ biến, theo thống kê của Globocan năm 2022, Việt Nam ghi nhận hơn 16.800 ca mắc ung thư đại tràng, hơn 8.400 ca tử vong. Bác sĩ Hùng cho biết bệnh có tiên lượng tốt nếu điều trị kịp thời và tích cực. Ở giai đoạn đầu, tỷ lệ chữa khỏi lên đến 90%. Nếu phát hiện muộn, ung thư đại tràng có thể di căn đến các cơ quan bộ phận, các tổ chức khác trong cơ thể, tiên lượng xấu, điều trị khó khăn.
Ung thư đại tràng thường gặp ở lứa tuổi ngoài 45, tỷ lệ nữ cao hơn nam, nhưng ngày càng gia tăng và trẻ hóa. Mỗi người nên sống lành mạnh (dinh dưỡng khoa học, duy trì vận động, cân nặng hợp lý, tránh rượu bia và thuốc lá...). Người thuộc nhóm nguy cơ, ngoài 40 tuổi cần nội soi tầm soát từ khi chưa có triệu chứng bệnh. Polyp để lâu có thể trở thành tiền ung thư, ung thư sớm và ung thư tiến triển.