Ung thư buồng trứng sống được bao lâu?
Tỷ sống sau 5 năm của bệnh nhân ung thư buồng trứng tùy thuộc vào việc phát hiện và điều trị, ở giai đoạn sớm có thể đến 80%, song giai đoạn 4 chỉ dưới 5%.
Ung thư buồng trứng là một trong những ung thư đường sinh dục thường gặp ở phụ nữ. Tại Việt Nam, đây là bệnh phổ biến thứ 3 trong các bệnh ung thư phụ khoa, với gần 1.500 trường hợp mắc mới và hơn 900 người tử vong mỗi năm. Hầu hết trường hợp xuất hiện ở độ tuổi mãn kinh, nhưng bệnh cũng có thể xảy ra ở độ tuổi trẻ hơn.
Các thể ung thư buồng trứng gồm: Ung thư biểu mô buồng trứng, là loại ung thư hay gặp nhất hiện nay; ung thư tế bào mầm; ung thư mô đệm - sinh dục. Các tế bào ung thư có thể xâm lấn và phá hủy các mô, cơ quan xung quanh, di căn tới các cơ quan ở xa trong cơ thể và gây ung thư thứ phát tại các cơ quan đó.
ThS.BS Lê Trí Chinh, Trưởng Khoa Ngoại phụ khoa, Bệnh viện K, cho biết ung thư buồng trứng phát hiện sớm có thể được kiểm soát, ngược lại ở giai đoạn muộn, tỷ lệ tử vong cao. Tỷ sống sau 5 năm của bệnh nhân theo từng giai đoạn cụ thể, giai đoạn I là 70-80%, giai đoạn 2 là 50-60%, giai đoạn 3 là 15-20%, giai đoạn 4 chỉ dưới 5%.
Hiện vẫn chưa tìm được nguyên nhân chính xác gây bệnh. Nhưng các nghiên cứu cho thấy sự liên quan giữa các yếu tố sau làm tăng nguy cơ như phụ nữ sinh ít hoặc không sinh con; có kinh sớm, mãn kinh muộn; dùng thuốc kích thích rụng trứng; dùng liệu pháp thay thế hormone hậu mãn kinh; người bị ung thư vú.
Ngoài ra, người có mẹ hoặc chị em gái đã mắc ung thư buồng trứng thì nguy cơ mắc bệnh cao gấp 2 lần. Mang đột biến gen BRCA1 và BRCA2 cũng là yếu tố nguy cơ. Phụ nữ mắc ung thư vú hay đại trực tràng thì khả năng ung thư buồng trứng tăng gấp 2 đến 4 lần.
Thực tế, phụ nữ thường hiểu nhầm những dấu hiệu ung thư buồng trứng là triệu chứng của các căn bệnh về phụ khoa khác. Cụ thể là cảm giác khó chịu, bụng to lên, đau ở vùng bụng dưới. Rối loạn tiêu hóa như buồn nôn, tiêu chảy hay táo bón. Thường xuyên đi tiểu do tăng áp lực đè ép vào bàng quang. Ăn kém, cảm giác đầy bụng kể cả sau một bữa ăn nhẹ. Chảy máu âm đạo bất thường sau mãn kinh, thay đổi bất thường trong chu kỳ kinh nguyệt. Sờ thấy khối u hạ vị, hạch bẹn, hạch thượng đòn.
Để phát hiện bệnh sớm, phụ nữ cần làm những xét nghiệm chuyên biệt giúp phát hiện và có phương án điều trị phù hợp như xét nghiệm máu, siêu âm, chụp MRI hay CT, sinh thiết. Ngoài ra, chị em nên khám sức khỏe định kỳ 6 tháng/lần. U buồng trứng phát hiện sớm kích thước nhỏ có thể phẫu thuật nội soi và bóc tách, ít ảnh hưởng tới sức khỏe.