U phổi xâm lấn bít tắc lòng thực quản
TP HCMKhối u phổi làm bít tắc lòng thực quản khiến ông Long, 62 tuổi, không thể nuốt thức ăn hay nước uống, phải truyền nước và dinh dưỡng nuôi cơ thể.
Ông Nguyễn Thành Long, ngụ Đăk Nông, đã phẫu thuật cắt 1/3 lá phổi ung thư, đang hóa trị và dùng thuốc nhắm trúng đích. Hai tháng nay, ông ăn uống khó khăn, nuốt khó, nôn ói kể cả khi uống nước.
Kết quả chụp vi tính cắt lớp (CT), chụp X-quang tại Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM cho thấy khối u từ phổi bệnh nhân tiến triển và xâm lấn chèn ép bít lòng thực quản. Đây là nguyên nhân khiến thức ăn không thể xuống dạ dày.
Ngày 13/12, tiến sĩ, bác sĩ Phạm Hữu Tùng, Phó giám đốc Trung tâm Nội soi và Phẫu thuật Nội soi Tiêu hóa, cho biết ông Long không thể phẫu thuật, mà cần tìm cách nuôi ăn, cải thiện chất lượng sống. Ông được đặt stent thực quản, bằng phương pháp nội soi vào vị trí thực quản bị hẹp do khối u chèn ép, mở rộng thực quản. Phương pháp này giúp người bệnh có thể ăn uống bằng đường miệng. Trong 15 phút, các bác sĩ đặt thành công một stent kim loại, kích thước 9 cm vào chỗ bít hẹp của thực quản do khối u xâm lấn.
Một ngày sau can thiệp, sức khỏe ông Long ổn định, có thể ăn đồ lỏng và uống nước bình thường, không còn cảm giác mắc nghẹn, xuất viện một ngày sau đó.
Theo bác sĩ Tùng, khối u xâm lấn chèn ép lòng thực quản khiến cho người bệnh không thể ăn uống. Nếu kéo dài dễ dẫn tới suy giảm sức khỏe nghiêm trọng, giảm sức đề kháng do mất nước và dưỡng chất thiết yếu. Đặt stent thực quản là giải pháp tối ưu giúp người bệnh ăn uống bình thường, cải thiện sức khỏe, nâng cao thể trạng để chống chọi với bệnh ung thư.
Bác sĩ Tùng đánh giá đặt stent thực quản qua nội soi là phương pháp điều trị tiến bộ, ít xâm lấn, mang lại hiệu quả cao trong trường hợp khối u ở giai đoạn tiến triển, không thể phẫu thuật. Sau khi đặt stent có thể cải thiện các triệu chứng trước mắt, người bệnh ăn uống bình thường qua đường miệng, đa dạng thức ăn. Người bệnh cần lưu ý nhai kỹ, ăn thức ăn mềm, lỏng, phòng ngừa tắc nghẽn, tuột stent.