U mỡ có phải ung thư?
Cánh tay của tôi xuất hiện khối u mỡ một năm nay. U lớn dần, có phải ung thư không, điều trị như thế nào? (Mạnh Hải, Đăk Lăk)
Trả lời:
U mỡ là tình trạng tế bào mô mỡ tăng sinh bất thường, tạo thành khối u ở giữa lớp da và lớp cơ. Nó có thể xuất hiện đơn lẻ hoặc nhiều khối tại các vị trí trên cơ thể như mặt, cổ, vai, lưng, cánh tay, phát triển chậm.
Khối u mỡ hình tròn hoặc bầu dục, mềm, nhão, nằm dưới da, có thể di chuyển nhẹ nhàng khi ấn vào, không đau. Hầu hết, u mỡ lành tính và không phải ung thư. Số ít trường hợp u phát triển nhanh, chèn ép các tổ chức xung quanh, khiến người bệnh đau đớn, khó chịu, ảnh hưởng đến sinh hoạt và thẩm mỹ.
U mỡ thường có đường kính nhỏ hơn 5 cm, tuy nhiên vẫn có trường hợp u to hơn 10 cm. Dưới hình ảnh siêu âm, u có bờ rõ ràng, không xâm lấn các mô xung quanh. Một số u mỡ gây đau do phát triển đè lên các dây thần kinh hoặc gần khớp. Người 40-60 tuổi có nguy cơ mắc loại u này cao hơn, có nhiều nguyên nhân, đơn cử như:
Bệnh Dercum là rối loạn hiếm gặp làm xuất hiện các u mỡ trên cánh tay, chân, thân mình, gây đau, khó chịu.
Hội chứng Gardner là biến thể của bệnh đa polyp tuyến gia đình. Người mắc hội chứng này cũng dễ bị u mỡ và nhiều loại u khác như u đại tràng, u xơ cứng, u xương hàm, u nang bã nhờn...
Bệnh Madelung thường gặp ở nam giới 30-70 tuổi, tiền sử uống nhiều rượu bia cũng có thể bị u mỡ ở cổ, cánh tay trên, vai, thân, hông và đùi.
Đa u mỡ di truyền (đa u mỡ gia đình) cũng là nguyên nhân dẫn đến tình trạng này.
U mỡ tăng kích thước, to nhanh bất thường như trường hợp của bạn, u gây đau đớn đột ngột, cứng, sờ nắn không di chuyển... nên đến bác sĩ chuyên khoa Đầu Mặt Cổ khám. Khi u mỡ lớn, ảnh hưởng đến thẩm mỹ, người bệnh cũng nên đến bác sĩ để được tư vấn, phẫu thuật (nếu cần). Không tự ý rạch cắt u mỡ hoặc đắp lá, thuốc nam, thuốc bắc vì dễ gây viêm loét, nhiễm trùng... nguy hiểm tính mạng.