Trẻ ít ăn dặm, chỉ uống sữa được không?
Con tôi ăn dặm rất ít, chỉ uống sữa thì có sao không? Nên làm thế nào để cải thiện tình trạng này của bé? (Ngọc Diệp, TP HCM)
Trả lời:
Nếu trẻ sinh đủ tháng, không có chỉ định nào khác của bác sĩ điều trị, ba mẹ cần tập cho trẻ ăn dặm từ 6 tháng tuổi. Trẻ ăn dặm để làm quen dần với thực phẩm, song sữa mẹ vẫn là nguồn dinh dưỡng chủ yếu của bé. Trường hợp cần thiết có thể thay thế bằng sữa công thức theo chỉ định của bác sĩ.
Trẻ từ một tuổi trở lên, tốc độ chuyển hóa của trẻ tăng nhanh, khoảng 3,6-4 kcal mỗi giờ. Nếu trẻ nặng 10 kg, nhu cầu năng lượng mỗi ngày của trẻ tương đương 1.100 kcal. Lúc này, sữa mẹ hoặc sữa công thức không đủ đáp ứng hoặc không còn đóng vai trò quan trọng nhất trong chế độ dinh dưỡng của trẻ. Thay vào đó, bé cần ăn uống khoa học, với đủ ba bữa chính và ít nhất ba bữa ăn phụ. Các bữa ăn phụ nên xen kẽ giữa các bữa chính hoặc cách bữa chính khoảng hai giờ.
Trường hợp con bạn không chịu ăn dặm hoặc ăn rất ít, chỉ uống sữa là biểu hiện của biếng ăn. Nhiều nguyên nhân khiến trẻ biếng ăn nhưng hầu hết là biếng ăn do tâm lý. Tình trạng này kéo dài ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự phát triển thể chất và tinh thần của trẻ. Bé dễ thiếu hụt vi chất, chậm tăng trưởng chiều cao và cân nặng, suy dinh dưỡng, rối loạn tăng trưởng, chậm phát triển trí não.
Phụ huynh nên cho trẻ ăn dặm với thức ăn dạng lỏng hoặc mềm trước. Sau đó chuyển dần sang đồ ăn có kích thước lớn hơn hoặc cứng hơn, phù hợp với mức độ phát triển kỹ năng cầm, nắm, cắn, nhai của mỗi trẻ. Bữa ăn dặm của bé nên có đủ các chất dinh dưỡng gồm bột đường, đạm, chất béo, vitamin và khoáng chất.
Khi con biếng ăn, ba mẹ cần có biện pháp, mức độ can thiệp khác nhau. Ba mẹ không nên làm theo cách của phụ huynh khác hoặc thông tin chung trên mạng. Nếu không được can thiệp đúng, kịp thời, trẻ có thể biếng ăn nghiêm trọng hơn.
Phụ huynh nên đưa con đi khám dinh dưỡng định kỳ hoặc khi phát hiện bé có dấu hiệu biếng ăn. Bác sĩ chẩn đoán nguyên nhân trẻ biếng ăn. Xét nghiệm vi chất bằng máy sắc ký lỏng hiệu năng cao UPLC giúp xác định cơ thể trẻ thiếu hay thừa dưỡng chất nào. Từ đó, bác sĩ đưa ra biện pháp can thiệp hiệu quả, tư vấn chế độ dinh dưỡng, bữa ăn phù hợp với tình trạng sức khỏe của bé.