Tranh cãi hóa chất trong đồ dùng khiến tỷ lệ sinh giảm
Một số nhà khoa học cho rằng hóa chất trong sản phẩm hàng ngày ảnh hưởng đến khả năng sinh sản khiến tỷ lệ sinh giảm, song số khác phản đối.
Theo báo cáo thường niên, tỷ lệ sinh sản trên toàn cầu đang giảm. Tại Mỹ, số trẻ sinh ra năm 2023 xuống mức thấp kỷ lục. Tình hình tại các nước châu Á như Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc tương tự. Bên cạnh tình trạng ngại sinh con do áp lực xã hội, nhiều nhà khoa học tin rằng hóa chất trong các sản phẩm hàng ngày có thể là một trong những yếu tố góp phần vào vấn đề này. Một số nghiên cứu chỉ ra tác động tiêu cực, tiềm ẩn của hóa chất đối với hệ sinh sản nam và nữ, dù chỉ tiếp xúc với lượng nhỏ.
Kirstie Phillips, y tá gây mê, đã loại bỏ tất cả nến thơm, sữa tắm, kem dưỡng ẩm và bình phun tinh dầu thơm sau nhiều tháng cố gắng mang thai nhưng không thành công. Người phụ nữ 30 tuổi luôn cho rằng, việc thụ thai sẽ dễ dàng. Cô năng động, ăn uống lành mạnh và xuất thân từ một gia đình không có tiền sử vô sinh. Chồng cô cũng không có vấn đề sức khỏe. Tuy nhiên, sau khi đi khám, cô được chẩn đoán có buồng trứng hoạt động bất thường. Sau một thời gian tự nghiên cứu và tham khảo ý kiến những người xung quanh, cô cho rằng các hóa chất trong sản phẩm tiêu dùng thường ngày là nguyên nhân.
Hai năm sau khi giảm tiếp xúc hóa chất, Phillips đã sinh được một con trai nhờ thụ tinh nhân tạo. 10 tháng sau, cô lại mang thai tự nhiên. Tháng 10 năm ngoái, cô sinh một bé gái. Phillips chắc chắn việc thay đổi lối sống đã tạo ra sự khác biệt.
"Tôi không có bằng chứng nhưng tôi không thể nghĩ ra điều gì khác", cô nói.
Tiến sĩ Patricia Hunt, giáo sư tại Trường Khoa học Sinh học Phân tử, Đại học Bang Washington nhận định, các hóa chất tiêu dùng có "tác động đáng kinh ngạc đến khả năng sinh sản". Chúng được gọi chung là "chất gây rối loạn nội tiết", bởi có thể ức chế hormone đảm nhận vai trò thiết yếu của cơ thể, bao gồm sinh sản. Chất này có trong mọi thứ, từ bao bì nhựa, đồ chơi đến vỏ bọc ghế sofa hay mỹ phẩm.
Trong vụ kiện chống lại một số nhà sản xuất hôm 11/12, công tố viên bang Texas viện dẫn những tác động tiêu cực của đồ tiêu dùng đến hệ sinh sản. Họ cáo buộc nhãn hàng quảng cáo sai sự thật về độ an toàn của các sản phẩm này. Ngay cả khi giới chuyên gia đã thừa nhận mối liên hệ giữa hóa chất và các vấn đề sinh sản, cuộc tranh luận về mức an toàn phơi nhiễm vẫn gay gắt.
Ngành công nghiệp hóa chất bác bỏ cáo buộc rằng sản phẩm của họ liên quan đến các vấn đề sức khỏe. Hội đồng Hóa học Mỹ, một cơ quan thương mại của nước này, cho biết khả năng sinh sản bị ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố. Các thành viên của hội đồng "đã thực hiện nhiều phân tích khoa học sâu rộng để đánh giá nguy cơ tiềm ẩn của hóa chất, từ giai đoạn phát triển đến sử dụng và xử lý an toàn".
Trong khi đó, một số nhà khoa học nhận định chúng vẫn tương tác với nhau trong cơ thể người, để lại tác động đáng kể. Một số hóa chất tích tụ theo thời gian, trong khi những chất khác rời khỏi cơ thể sau vài giờ.
Một trong những hóa chất được giới chuyên gia tìm hiểu là PFAS, xuất hiện trong mọi vật dụng hàng ngày, từ đồ nhà bếp đến hộp đựng đồ ăn hay quần áo chống nước. Tên gọi khác của chúng là "hóa chất vĩnh cửu" bởi đặc tính khó phân hủy.
Năm ngoái, các nhà khoa học của Đại học Mount Sinai kết luận, nồng độ PFAS trong máu cao có thể làm giảm đáng kể khả năng mang thai và sinh con. Theo các nghiên cứu khác, một số loại PFAS phá vỡ được hormone sinh sản và làm chậm dậy thì. Đồng thời, chúng làm tăng nguy cơ mắc hội chứng buồng trứng đa nang và lạc nội mạc tử cung.
Bisphenol-A (BPA), hóa chất được sử dụng làm lon đựng nước, cũng gây ra vấn đề sinh sản ở phụ nữ. Nam giới tiếp xúc nhiều với BPA có chất lượng tinh dịch kém, tinh hoàn ẩn và nguy cơ ung thư tinh hoàn cao. Mỹ và nhiều quốc gia không còn cho phép dùng BPA làm bình sữa và cốc uống nước cho trẻ em.
Theo một nghiên cứu, hơn 90% mẫu nước tiểu của người Mỹ có chứa BPA. Năm 2023, Cơ quan Quản lý Thực phẩm châu Âu chính thức đề xuất giảm 20.000 lần ngưỡng sử dụng BPA. Nếu được chấp thuận, các nhà sản xuất không còn được dùng chất này trong mọi thứ tiếp xúc với thực phẩm (chẳng hạn bao bì). Cơ quan lo ngại độc tính của BPA ảnh hưởng đến sinh sản.
Một nhóm hóa chất khác là Phthalate, được tìm thấy trong sản phẩm có mùi thơm. Chúng khiến khoảng cách hậu môn và cơ quan sinh dục của nam giới ngắn hơn, từ đó ảnh hưởng đến số lượng tinh trùng.
Shanna Swan, giáo sư y tế công cộng tại Trường Y Icahn tại Mount Sinai đã dành nhiều thập kỷ để nghiên cứu tác động của Phthalate và các chất gây rối loạn nội tiết khác. Năm 2017, bà công bố phân tích cho thấy lượng tinh trùng ở người dân các nước phát triển đã giảm gần 60% từ năm 1973 đến năm 2011.
Một số nhà khoa học khác lập luận, tình trạng này chưa chắc gây giảm khả năng sinh sản. Song Swan nhận định hóa chất gây rối loạn nội tiết hoàn toàn có thể khiến con người khó sinh con hơn.