Trầm cảm ở tuổi vị thành niên
HÀ NỘIVài tuần trước kỳ thi tốt nghiệp THPT, Đạt, học sinh một trường chuyên, phải nhập viện điều trị trầm cảm với dấu hiệu muốn tự sát.
Tại Bệnh viện Tâm thần Ban ngày Mai Hương, nam sinh thu mình, tuyệt đối im lặng trước mọi câu hỏi của nhân viên y tế. Gần một tiếng trôi qua, bác sĩ Trần Hồng Thu, Phó giám đốc Bệnh viện, phải dùng các kỹ thuật tâm lý để Đạt chia sẻ về bệnh.
Cách đây ba năm, Đạt thi đỗ vào trường chuyên danh tiếng ở tỉnh. Em chăm chỉ học tập, đọc sách, học thêm, hoặc lên mạng xã hội khi rảnh, hầu như không ra ngoài chơi. Thời gian này, Đạt tập trung ôn thi vào Đại học Y Hà Nội. Với lịch học dày đặc, em thường xuyên thức đến 2-3 giờ sáng ôn bài. Dù thiếu ngủ, nam sinh không thể chợp mắt, luôn lo nghĩ về kỳ thi.
Một tháng gần đây, tình trạng mệt mỏi, đau đầu của Đạt tăng. Em thường xuyên có những cơn sợ hãi đột ngột, khởi đầu với tim đập nhanh, choáng, đau ngực, kéo dài vài phút. Ngoài ra, việc mất ngủ, không thể tập trung học khiến em buồn bã, có ý định tự sát vì nghĩ không thể thi đỗ, thực hiện ước mơ trở thành bác sĩ.
Sau khi thăm khám, bác sĩ Thu chẩn đoán nam sinh mắc chứng rối loạn lo âu, trầm cảm do áp lực thi cử. Lần này, các bác sĩ dùng liệu pháp tâm lý kèm thuốc giúp em giảm lo âu, căng thẳng, chuẩn bị tinh thần "vượt vũ môn".
Một nữ sinh khác 13 tuổi, được cấp cứu tại Khoa Sức khỏe vị thành niên, Bệnh viện Nhi Trung ương, do uống thuốc giảm đau liều cao. Chia sẻ với bác sĩ sau khi được cứu sống, bệnh nhi cho biết dự định theo nghề thợ xăm sau khi hoàn thành chương trình phổ thông, nhưng bố mẹ cho rằng "phải học đại học mới có tương lai" và kiên quyết phản đối. Sau mỗi lần cãi nhau với hai bậc phụ huynh, em buồn chán, nhiều lần đóng cửa thu mình trong phòng, giày vò bản thân, có lần rạch tay.
Trẻ chia sẻ với bác sĩ rằng bố mẹ không hiểu nguyện vọng nghiêm túc của con, đồng thời nỗi lo không đáp ứng được kỳ vọng của bố mẹ rằng "phải trở thành ông nọ bà kia" khiến em nảy sinh ý nghĩ tiêu cực. Bệnh nhi may mắn được cấp cứu kịp thời nên không nguy hiểm đến tính mạng, tuy nhiên tổn thương tâm lý có thể còn ảnh hưởng lâu dài.
Hai trường hợp trên nằm trong hàng trăm nghìn thanh thiếu niên Việt Nam đang có vấn đề về sức khỏe tinh thần, theo khảo sát của Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) năm 2022. Đại diện Phòng Tâm lý lâm sàng, Viện Sức khỏe tâm thần Bạch Mai, cũng cho biết hai năm gần đây, mỗi ngày nơi này khám 20-25 trẻ, 50% số này là trẻ vị thành niên, tăng gấp đôi so với trước giai đoạn đại dịch. Trong 2021-2022, Bệnh viện Nhi Trung ương cấp cứu hơn 10 học sinh tự tử bằng những cách khác nhau, có em không qua khỏi.
Theo các chuyên gia, tỷ lệ mắc trầm cảm chung ở trẻ em là 2%. Ở lứa tuổi vị thành niên, con số này từ 5% đến 8%. Trên toàn cầu, rủi ro sức khỏe ở tuổi vị thành niên đang trải qua những thay đổi lớn. Ba thập kỷ trước, mối đe dọa lớn nhất với các em là rượu, thuốc lá, mang thai, các chất gây nghiện..., ngày nay là lo lắng, trầm cảm, tự hại bản thân và các rối loạn tâm thần khác. Đơn cử, từ năm 2001 đến 2019, tỷ lệ tự tử ở thanh thiếu niên Mỹ từ 10 đến 19 tuổi tăng 40% và tỷ lệ đến phòng cấp cứu vì tự làm hại bản thân đã tăng 88%. Từ năm 2010 đến 2021, tỷ lệ tự tử ở trẻ em từ 5 đến 14 tuổi ở Trung Quốc tăng trung bình hàng năm gần 10%. Các bác sĩ nói sức khỏe tâm thần là "đại dịch" mới trong giới trẻ, kêu gọi chính phủ các nước cần có chiến lược ứng phó trước khi tình hình trở nên tồi tệ.
Thạc sĩ Tâm lý Lâm sàng Vương Nguyễn Toàn Thiện, Giám đốc chuyên môn Trung tâm Tham vấn và trị liệu tâm lý Lumos, cho biết hiện chưa xác định được nguyên nhân chính xác dẫn đến trầm cảm. Song, đó có thể là sự kết hợp của các yếu tố sinh học, tâm lý, xã hội.
Các yếu tố sinh học được kể đến như gene, di truyền, chất dẫn truyền thần kinh, hệ nội tiết, cấu trúc và chức năng não bộ, rối loạn nhịp sinh hoạt hàng ngày. Các yếu tố tâm lý liên quan đến những kỹ năng ứng phó căng thẳng, suy nghĩ, niềm tin cốt lõi về bản thân và môi trường, những trải nghiệm bất lợi trong quá khứ như bị lạm dụng, mất người thân, bố mẹ ly hôn... Yếu tố xã hội bao gồm các sự kiện gây stress và sang chấn, môi trường, điều kiện sống...
Còn thạc sĩ Hương Lan, người sáng lập Học viện Hạnh phúc Việt Nam, nhận định nhiều nguyên nhân khiến trẻ vị thành niên dễ trầm cảm, rối loạn lo âu. Trong đó, một phần lớn do quan niệm "con ngoan, trò giỏi" từ phụ huynh, nhà trường đã vô tình tạo áp lực lớn cho con trẻ. "Càng học giỏi, áp lực thành tích học càng nhiều", thạc sĩ Lan nói.
Ngoài ra, việc trẻ tiếp xúc, sử dụng máy tính, điện thoại thông minh, mạng xã hội quá nhiều dần thay thế các hoạt động quan trọng giúp phát triển bộ não như ngủ và tập thể dục, gặp bạn bè. Các nền tảng mạng xã hội tràn ngập nội dung cực đoan, có hại, gồm cả những nội dung nguy hiểm nhưng được "bình thường hóa", như hành vi tự làm hại bản thân, rối loạn ăn uống, tự sát... Ở tuổi vị thanh niên, não bộ đang phát triển, cá tính và ý thức giá trị bản thân đang hình thành, các em dễ bị ảnh hưởng bởi áp lực xã hội, ý kiến và sự so sánh với những người đồng trang lứa.
Trầm cảm, rối loạn lo âu ở trẻ vị thành niên không chỉ gây hậu quả cấp tính mà còn làm giảm nhận thức và mức độ tự tin của trẻ, lâu dài có thể để lại hậu quả khi trưởng thành. Nhiều trường hợp không tâm sự khiến bố mẹ không nhận ra hoặc không thừa nhận con cái đang có vấn đề. Do đó, bệnh nhân đến viện muộn, chậm trễ, việc điều trị mất nhiều thời gian, thậm chí nguy cơ trẻ có các hành vi tự hại, tự sát, loạn thần...
Thạc sĩ Thiện cho biết trẻ dậy thì có thể thường xuyên cáu kỉnh, mệt mỏi, buồn bã, cảm xúc thay đổi thất thường. Nhưng nếu tình trạng này kéo dài hơn hai tuần kèm dấu hiệu mất hứng thú với các hoạt động từng yêu thích, trốn tránh giao tiếp, rút lui xã hội..., đó có thể là dấu hiệu của trầm cảm.
Thanh thiếu niên mắc trầm cảm thường không biểu lộ cảm xúc rõ ràng mà chỉ cảm thấy không còn hứng thú hoặc rỗng tuếch. Trầm cảm cũng thường đi kèm với lo lắng nhiều và có thể là nguyên nhân khiến trẻ thay đổi thói quen ăn uống, giấc ngủ hoặc có dấu hiệu thể chất như đau đầu, rối loạn kinh nguyệt hoặc đau bụng liên tục, kéo dài.
Các chuyên gia nhấn mạnh tầm quan trọng của việc lắng nghe và đánh giá cao những gì con cái bày tỏ. Phụ huynh và người chăm sóc nên tin vào trực giác của mình khi nhận thấy điều gì đó bất ổn. Trẻ cần được chăm sóc chu đáo, đảm bảo ngủ đủ giấc, ăn uống lành mạnh và được khuyến khích chia sẻ suy nghĩ của mình.
Những người trẻ tuổi, với bộ não đang phát triển, cần ngủ từ 8 đến 10 tiếng. Thiếu ngủ có thể cản trở sự phát triển và có thể ảnh hưởng đáng kể đến tâm trạng cũng như khả năng học tập. Hoạt động thể chất cũng rất quan trọng đối với sức khỏe tinh thần và thể chất.
Khi lo lắng về trầm cảm ở trẻ, việc đầu tiên là đưa trẻ đi khám bác sĩ. Tùy vào tình trạng, trẻ có thể được hướng dẫn tham gia liệu pháp tâm lý, khuyến khích bày tỏ suy nghĩ qua nói chuyện, chơi đùa, hoặc liệu pháp hành vi nhận thức để thay đổi những suy nghĩ tiêu cực. Thuốc cũng có thể được xem xét nếu cần.