Tiểu đêm nhiều lần có bất thường?
Tôi 60 tuổi, thường đi tiểu 5-6 lần mỗi đêm. Tình trạng này có đáng lo ngại không, khi nào được xem là bất thường? Nguyên nhân do đâu? (Phan Nguyên, Bình Dương)
Trả lời:
Khi ngủ, hệ bài tiết giảm hoạt động, nước tiểu được tạo ra ít và cô đặc hơn so với ban ngày. Một người khỏe mạnh không cần thức dậy vào ban đêm để đi tiểu, có thể ngủ xuyên đêm trong 6-8 giờ. Theo Hội Kiểm soát tiểu tiện quốc tế (ICS), tiểu đêm là tình trạng một người phải thức dậy vào ban đêm một hay nhiều lần để đi tiểu, mỗi lần đi tiểu làm gián đoạn giấc ngủ.
Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến tiểu đêm như uống nước nhiều, mất ngủ, tình trạng tắc nghẽn đường tiết niệu. Bệnh xảy ra ở mọi lứa tuổi nhưng phổ biến hơn ở người lớn tuổi, nhất là nam giới, gây mệt mỏi, gián đoạn giấc ngủ.
Một số người đi tiểu thường xuyên hơn vào ban đêm do lối sống, bao gồm uống quá nhiều chất lỏng trước khi ngủ, uống thuốc lợi tiểu, thói quen... Trong khi số khác có thể mắc bệnh lý như đa niệu (đái tháo, đái nhiều) về đêm, đái tháo đường, huyết áp cao, phì đại tuyến tiền liệt lành tính, suy tim sung huyết, ngưng thở khi ngủ hoặc các tình trạng rối loạn giấc ngủ khác, sa tạng chậu (cơ sàn chậu bị suy yếu hoặc tổn thương)... Bệnh này có thể đơn thuần hoặc phối hợp với các triệu chứng khác của đường tiểu dưới như tiểu nhiều lần vào ban ngày, tiểu gấp, tiểu khó, tiểu ngắt quãng, tiểu rỉ cuối dòng...
Tiểu đêm làm xáo trộn chu kỳ giấc ngủ, gây thiếu ngủ, mệt mỏi, giảm tập trung, thay đổi tâm trạng, ảnh hưởng đến chất lượng sống... Mất ngủ do tiểu đêm nhiều lần là một trong những yếu tố nguy cơ gây các bệnh mạn tính như tim mạch, huyết áp, đái tháo đường khó kiểm soát, tăng nguy cơ đột quỵ và té ngã thường xảy ra ở người cao tuổi.
Phương pháp điều trị bệnh chủ yếu dựa trên nguyên nhân. Ví dụ, người bị rối loạn giấc ngủ dẫn đến tiểu đêm nên đến bác sĩ chuyên khoa khám. Trường hợp tuyến tiền liệt phì đại, người bệnh cần dùng thuốc hoặc phẫu thuật để điều trị.
Chú nên đi khám chuyên khoa để được bác sĩ xác định nguyên nhân và tư vấn cụ thể. Song song đó, chú cũng nên thay đổi lối sống để góp phần giảm triệu chứng. Hạn chế uống chất lỏng vào buổi tối, nhất là đồ uống có chứa caffeine. Nếu uống thuốc lợi tiểu thì sử dụng vào buổi sáng hoặc ít nhất 6 giờ trước khi ngủ. Người bị tiểu đêm nhiều nên ngủ trưa giúp máu hấp thụ chất lỏng, nâng cao chân khi ngồi nhằm phân phối chất lỏng, thực hiện bài tập cơ sàn chậu.