'Tiêm vaccine sốt xuất huyết tiết kiệm hàng trăm triệu đồng chi phí điều trị'
Chủ động tiêm vaccine ngừa sốt xuất huyết giúp người dân giảm nguy cơ nhập viện đến 90%, tiết kiệm đến hàng trăm triệu đồng chi phí điều trị với các ca nặng.
Thông tin được bác sĩ Bạch Thị Chính, Giám đốc Y khoa Hệ thống tiêm chủng VNVC, cho biết như trên khi trao đổi với VnExpress sau ba tháng triển khai tiêm vaccine sốt xuất huyết đầu tiên tại Việt Nam. Bộ Y tế ghi nhận mỗi năm khoảng 200.000 ca sốt xuất huyết trên cả nước.
Trong khi đó, các phương pháp phòng muỗi đốt, diệt bọ gậy hiệu quả nhưng không thể tiêu diệt hoàn toàn mầm bệnh. Vì vậy, giải pháp tiêm vaccine tạo miễn dịch cho cơ thể kháng lại virus sốt xuất huyết rất quan trọng, hỗ trợ kiểm soát bệnh.
- Bộ Y tế hồi tháng 11 đánh giá sốt xuất huyết ở Việt Nam thay đổi về dịch tễ so với trước đây. Quan điểm của bà như thế nào?
- Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), số ca mắc sốt xuất huyết đã tăng 30 lần trong 50 năm qua. Năm 2023, thế giới ghi nhận 6,5 triệu ca nhiễm - con số kỷ lục, dự kiến số nhiễm tăng gấp đôi vào năm 2024.
Tại Việt Nam, đúng là dịch tễ bệnh sốt xuất huyết có sự thay đổi. Trước đây, bệnh thường diễn biến theo mùa, cao điểm vào tháng mùa mưa. Hiện, bệnh xuất hiện rải rác quanh năm, không chỉ tập trung những tháng mùa mưa. Ca nhiễm xuất hiện trên mọi miền đất nước, lan rộng ra các khu vực như Đông Nam Bộ, Bắc Trung Bộ và Tây Nguyên thay vì tập trung ở Đồng bằng sông Cửu Long và ven biển miền Trung như trước.
Chu kỳ xảy ra một đợt dịch lớn cũng rút ngắn hơn so với trước đây. Nếu trước đây 10-12 năm có một đợt dịch lớn thì trong giai đoạn 2019-2022, Việt Nam đã ghi nhận hai đợt dịch lớn với số mắc tăng đột biến: hơn 300.000 ca vào năm 2019 và 370.000 ca vào năm 2022, kèm theo 150 ca tử vong.
Thay đổi trên do nhiều yếu tố cộng lại như biến đổi khí hậu, hiện tượng nóng lên toàn cầu, quá trình đô thị hóa, giao thương phát triển.
- Tại sao nhiều ca sốt xuất huyết biến chứng nguy hiểm, ngay cả ở người không thuộc nhóm nguy cơ cao?
- Ở giai đoạn đầu, biểu hiện bệnh không rõ ràng với các triệu chứng như sốt cao, đau đầu, nhức mỏi cơ xương... dễ nhầm lẫn với bệnh cảm cúm. Việc này khiến người bệnh chủ quan, không theo dõi điều trị dẫn tới dễ chuyển biến nặng.
Từ ngày thứ 4 trở đi, người bệnh thường giảm sốt hoặc hết sốt nhưng đây là giai đoạn nguy hiểm. Sau thời gian dài sốt cao, cơ thể có thể xuất hiện các biến chứng như giảm tiểu cầu, thoát huyết tương, xuất huyết nội tạng, cần nhập viện ngay để xử trí kịp thời.
Các biến chứng kể trên có thể xuất hiện ở mọi đối tượng, không chỉ nhóm nguy cơ cao. Song, nhiều người chủ quan, cho rằng hết sốt là hết bệnh, dẫn tới không theo dõi, điều trị. Vì vậy, họ nhập viện trễ, điều trị khó khăn, cần phải điều trị tích cực.
Ngoài ra, thống kê của Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật Mỹ, cho thấy tỷ lệ trở nặng chung của sốt xuất huyết là 5%, tức cứ 100 người thì 5 người có nguy cơ trở nặng. Hơn nữa, các ca bệnh nặng khó dự đoán trước và có thể phát triển mà không có dấu hiệu cảnh báo.
Do đó, khi số lượng người mắc sốt xuất huyết gia tăng trong cộng đồng sẽ không tránh khỏi tỷ lệ người trở nặng gia tăng, trong đó có người khỏe mạnh.
- Bà đánh giá thế nào về lợi ích tiêm vaccine sốt xuất huyết so với không tiêm?
- Vaccine sốt xuất huyết phòng 4 type huyết thanh virus sốt xuất huyết Den-1, Den-2, Den-3, Den-4, có hiệu quả ngăn ngừa nguy cơ mắc bệnh bao gồm cả trường hợp tái nhiễm đến hơn 80% và nguy cơ nhập viện hơn 90%.
Kinh nghiệm dịch tễ cho thấy bất kỳ loại vaccine nào được đưa vào sử dụng cũng giúp giảm tỷ lệ ca mắc, nhập viện và tử vong. Khi số người sử dụng tăng lên cùng với việc áp dụng các biện pháp kiểm soát véc-tơ khác, chắc chắn gánh nặng do sốt xuất huyết đối với cộng đồng sẽ giảm đáng kể.
- Sau ba tháng triển khai vaccine sốt xuất huyết ở các trung tâm tiêm chủng VNVC toàn quốc, tình hình tiêm như thế nào?
- Sau ba tháng kể từ khi triển khai vaccine, hơn 210 trung tâm tiêm chủng VNVC trên toàn quốc tiếp nhận hàng trăm nghìn lượt khách hàng. Đối tượng tiêm bao gồm người Việt Nam, người nước ngoài đang sinh sống và làm việc tại các thành phố lớn như Hà Nội, TP HCM, Đà Nẵng, đặc biệt là cộng đồng người Nhật Bản.
Trong tháng 12, VNVC ghi nhận nhu cầu khách hàng tiêm mới vaccine sốt xuất huyết tăng gấp đôi so với thời điểm mới triển khai vaccine sốt xuất huyết vào tháng 9. Khu vực có lượng người tiêm vaccine cao nhất là miền Nam và Tây Nam Bộ. Đây là vaccine phòng ngừa sốt xuất huyết do hãng dược phẩm Takeda (Nhật Bản) sản xuất, lần đầu tiên được đưa vào tiêm chủng ở Việt Nam. Do đó sau một thời gian triển khai, có thể hiện nhiều người biết sốt xuất huyết đã có vaccine, tiêm an toàn, nên nhu cầu tiêm tăng cao so với trước.
- Đối tượng đăng ký tiêm vaccine sốt xuất huyết khác biệt ra sao?
- Người tiêm đa dạng ở mọi lứa tuổi và đối tượng gồm trẻ em, thanh thiếu niên, phụ nữ chuẩn bị mang thai, người lớn tuổi, người có bệnh lý nền như tim mạch, tiểu đường, phổi tắc nghẽn mạn tính...
Tỷ lệ tiêm gồm trẻ em 60%, còn 40% là người lớn. Trong đó, số lượt tiêm cao nhất là trẻ em ở độ tuổi tiền học đường 4-6 tuổi, còn người lớn là 20-40 tuổi, cùng tiêm với gia đình. VNVC cũng ghi nhận nhiều gia đình nhiều thế hệ và gia đình trẻ cùng tiêm vaccine. Điều này cho thấy các gia đình nhận thức sốt xuất huyết là bệnh nguy hiểm, ảnh hưởng sức khỏe, khiến trẻ em lẫn người lớn phải nghỉ học, nghỉ làm, nhập viện cao, gây tốn kém chi phí, diễn tiến khó lường và có nguy cơ tử vong.
Ngoài ra, có nhiều lý do thúc đẩy hành vi tiêm chủng của người dân với vaccine sốt xuất huyết như sau:
Vào cuối năm, thời tiết lạnh, nhiều mầm bệnh truyền nhiễm và tác nhân gây bệnh sốt xuất huyết phát triển mạnh. Người dân tăng nhu cầu tiêm kết hợp nhiều loại vaccine phòng bệnh để bảo vệ sức khỏe, như cúm, phế cầu, sốt xuất huyết....
Vaccine sốt xuất huyết được sử dụng ở Việt Nam đã được một thời gian và nhiều trẻ em và người lớn đã tiêm an toàn, do đó tạo tâm lý yên tâm tiêm chủng.
Người dân sẵn sàng chi trả chi phí phòng bệnh để giảm nguy cơ mắc bệnh, nhập viện tốn kém, gián tiếp mang lại lợi ích kinh tế hơn.
Nhận thức về bệnh truyền nhiễm nói chung và bệnh sốt xuất huyết nói riêng của người dân tăng cao hơn trong thời gian gần đây. Nhiều khách hàng từng trải qua hoặc chứng kiến những người xung quanh mắc bệnh, nhập viện, hiểu về mức độ tốn kém, chi phí cho bệnh. Trong khi đó, các biện pháp phòng bệnh như diệt lăng quăng, muỗi, tránh muỗi đốt không giúp phòng bệnh triệt để.
- Không ít người dân e ngại giá thành tiêm vaccine cao so với thu nhập. Bà nghĩ sao về điều này?
- Vaccine sốt xuất huyết có lịch tiêm hai mũi, giá thành trung bình, không chênh lệch so với vaccine khác. Nếu so với chi phí nghỉ làm và nhập viện, điều trị bệnh và chăm sóc sức khỏe lâu dài, vaccine mang lại lợi ích kinh tế lớn hơn gấp nhiều lần.
Một nghiên cứu được đại diện Cục Y tế dự phòng trích dẫn hôm 3/12, cho biết mỗi người nhập viện điều trị sốt xuất huyết tốn từ 6-10 triệu đồng, đồng thời cần một số người nhà theo chăm sóc, tạo ra gánh nặng về kinh tế - xã hội rất lớn. Với khoảng 200.000 ca nhiễm mỗi năm, chi phí điều trị lên tới hơn 1.000 tỷ đồng.
Hiện, sốt xuất huyết không có thuốc điều trị đặc hiệu, các ca bệnh nặng phải điều trị kéo dài, huy động nhiều nguồn nhân lực, thiết bị y tế. Theo thống kê của Bảo hiểm xã hội TP Hà Nội 11 tháng năm 2023, hơn 152 tỷ đồng được quỹ chi trả để điều trị cho bệnh nhân sốt xuất huyết, trong đó người được chi trả cao nhất hơn 301 triệu đồng.
- Bà khuyến cáo gì đối với người dân khi tiêm chủng vaccine?
- Hiện vaccine sốt xuất huyết có chỉ định tiêm cho người từ 4 tuổi trở lên, không tiêm được cho người dưới 4 tuổi, thai phụ, người mắc các bệnh lý suy giảm miễn dịch...
Giống như tất cả loại vaccine khác, vaccine không bảo vệ 100%. Do đó, người dân vẫn cần áp dụng các biện pháp dự phòng sốt xuất huyết bên cạnh tiêm vaccine như diệt lăng quăng và diệt muỗi, dọn dẹp nhà cửa, lật úp, thay mới các dụng cụ chứa nước để không cho muỗi đẻ trứng, phòng muỗi đốt bằng ngủ màn ngay cả ban ngày, kem chống muỗi, mặc áo dài tay... Việc này ngoài phòng trừ sốt xuất huyết còn giúp phòng thêm các bệnh khác do muỗi gây ra, đồng thời bảo vệ những người chưa tiêm được vaccine.