Tiêm botox làm đẹp có gây độc?
Tiêm botox không gây hại nếu được thực hiện bởi bác sĩ da liễu, đúng quy trình với liều lượng phù hợp, nguồn gốc rõ ràng.
Botox là tên gọi tắt của Botulinum toxin (BoTX), sản phẩm tinh chế từ ngoại độc tố được tạo ra từ trực khuẩn gram dương kỵ khí Clostridium Botulinum, gồm 7 type A, B, C, D, E, F, G. Bệnh do Botulinum toxin gây ra ở người chủ yếu do type A, B, E, hiếm hơn là loại F. Type B thường gây ngộ độc trong thực phẩm, chỉ với liều cực thấp cũng có thể ảnh hưởng toàn thân. Riêng type C, D chỉ gây bệnh cho động vật.
BS.CKI Nguyễn Thị Kim Dung, chuyên khoa Da liễu - Thẩm mỹ da, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, cho biết trong 7 type trên, chỉ có A, B được bào chế thành thuốc và ứng dụng trong thẩm mỹ hầu hết là type A.
Botox type A trong thẩm mỹ là loại Botulinum toxin có độc lực thấp nhất, chỉ gây yếu cơ nơi tiêm, ứng dụng trong làm đẹp với liều cực nhỏ. Thường một lọ botox chứa 100 UI. Liều dùng trong thẩm mỹ xóa nhăn mắt, trán chỉ cần 10-30 UI. Để làm thon gọn các cơ lớn cũng cần không quá 400 UI (4 lọ thuốc). Liều tử vong trung bình của botox là 2.000 - 3.000 UI (ở người nặng 70 kg), tương đương 20-30 lọ botox.
Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) đã cấp phép sử dụng botox trong y tế từ nhiều năm nay để điều trị các bệnh rối loạn thần kinh cơ và thẩm mỹ. Riêng ngành thẩm mỹ, botox là liệu pháp có chỉ định trong xóa nếp nhăn, trẻ hóa da, nhất là nếp nhăn động hình thành do co cơ, chỉnh sửa mốc giải phẫu (nâng cung chân mày, cười hở lợi), thon gọn khuôn mặt, thon gọn cơ thể, điều trị tăng tiết mồ hôi.
Botox hoạt động theo 4 vị trí, gồm nối thần kinh cơ, hạch thần kinh tự động, đầu tận hậu hạch thần kinh phó giao cảm, giao cảm phóng thích acetylcholine. Botox ức chế quá trình giải phóng acetylcholin (chất dẫn truyền thần kinh) ở khe synap (điểm tiếp hợp thần kinh). Từ đó gây ra các tác động như ngăn dẫn truyền thần kinh - cơ, làm giảm sức co của cơ, cơ giảm hoạt động theo thời gian sẽ thon gọn lại; tác dụng trên đầu tận hạch thần kinh làm giảm tiết mồ hôi.
Bác sĩ Dung cho biết tiêm botox là một trong những xu hướng thủ thuật thẩm mỹ nội khoa được dùng nhiều nhất trên thế giới hiện nay, vượt qua tiêm filler, tiêm hyaluronic axit (HA) và các thủ thuật không xâm lấn khác.
Bác sĩ cũng cho biết botox có nhiều loại, tùy từng loại mà thời gian sử dụng, hướng dẫn bảo quản có thể khác nhau. Botox thường ở dạng bột, khi sử dụng phải pha thuốc với nước muối sinh lý vô trùng thành dạng dung dịch, theo nồng độ khác nhau với các chỉ định điều trị khác nhau. Thuốc phải bảo quản ở nhiệt độ 2-8 độ C (ngăn mát tủ lạnh) sau khi pha, dùng tối đa trong 2-4 tuần. Việc bảo quản không đúng dễ gây hư thuốc, giảm tác dụng điều trị, tăng nguy cơ nhiễm trùng khi tiêm, tăng nguy cơ dị ứng, ngộ độc.
Botox chính hãng có tác dụng 3-6 tháng, hiệu quả thấy rõ nhất sau 2-6 tuần tiêm. Hiệu quả giảm dần theo thời gian do cơ chế tái lập đầu tận thần kinh - cơ mới. Để duy trì hiệu quả, người bệnh cần tiêm nhắc lại mỗi 3-6 tháng. Thời gian hiệu quả của botox còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố như loại botox, liều lượng, chỉ định tiêm, độ tuổi và chế độ sinh hoạt của người bệnh. Nếu người bệnh đi nắng nhiều, lạm dụng bia rượu, thường xuyên căng thẳng... làm tăng tốc độ lão hóa da, giảm tác dụng của botox.
Botox phải được chỉ định và thực hiện tiêm bởi bác sĩ đã được cấp phép thực hiện thủ thuật này. Các bác sĩ được đào tạo bài bản, có kinh nghiệm sẽ tính toán liều lượng thuốc phù hợp cho từng người bệnh, vùng điều trị để vừa hiệu quả, vừa an toàn. Đồng thời, tiêm botox ở cơ sở y tế uy tín sẽ đảm bảo được nguồn gốc thuốc chính hãng, tiêm đúng kỹ thuật, đúng liều và đúng vùng tiêm.
Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM từng tiếp nhận điều trị một số trường hợp bị dị ứng, phản vệ, nhiễm trùng, sụp mi, liệt mặt, gương mặt mất biểu cảm, không đối xứng... do tự tiêm botox tại nhà hoặc tiêm ở cơ sở không được cấp phép.
Để tránh các tác dụng phụ, biến chứng xảy ra khi tiêm botox, bác sĩ Dung khuyến cáo người bệnh nên đến cơ sở y tế uy tín để được chẩn đoán, điều trị phù hợp.