Thai thụ tinh ống nghiệm nên sinh thường hay sinh mổ?
Tôi, 32 tuổi, hiếm muộn 5 năm, vừa làm thụ tinh ống nghiệm đậu thai. Tôi nên sinh thường hay sinh mổ an toàn hơn? (Ngọc Vân, Hải Dương)
Trả lời:
Thụ tinh ống nghiệm (IVF) là phương pháp hỗ trợ sinh sản phổ biến và hiệu quả cho bệnh nhân vô sinh hiếm muộn. Khác với thụ thai tự nhiên, quá trình IVF bao gồm việc chọc hút trứng từ buồng trứng và thu thập tinh trùng đem thụ tinh trong phòng thí nghiệm để tạo phôi. Sau đó, phôi được chuyển vào tử cung của người phụ nữ để phát triển thành thai.
Nhiều phụ nữ lo lắng liệu có thể sinh thường hay cần sinh mổ khi mang thai IVF. Tuy nhiên, cách bạn thụ thai không ảnh hưởng đến phương pháp sinh con. Quá trình phụ nữ mang thai IVF tương tự mang thai bình thường và có thể sinh con tự nhiên mà không cần mổ.
Bác sĩ sẽ chỉ định phương pháp sinh phù hợp với bạn dựa trên nguyện vọng cá nhân, đồng thời cân nhắc lợi ích tốt nhất cho mẹ và thai nhi dựa trên các yếu tố như sức khỏe tổng thể của bạn, sự phát triển của thai kỳ, nguy cơ biến chứng hoặc theo tình huống phát sinh.
Phụ nữ mang thai IVF được khuyến cáo sinh mổ trong những trường hợp sau:
- Chuyển dạ kéo dài: Sản phụ chuyển dạ kéo dài hơn 20 giờ là nguyên nhân chính dẫn đến sinh mổ.
- Tư thế thai nhi bất thường: Để sản phụ sinh thường, thai nhi phải ở tư thế đầu quay xuống âm đạo. Nếu em bé nằm ở tư thế ngược lại, sản phụ nên sinh mổ để đảm bảo an toàn.
- Thai nhi không nhận đủ oxy: Nếu em bé trong bụng mẹ không được cung cấp đủ oxy, có dấu hiệu suy thai, bác sĩ sẽ tiến hành mổ lấy thai cấp cứu.
- Dị tật bẩm sinh hoặc thai chậm phát triển trong tử cung: Nếu bác sĩ nghi ngờ trẻ chào đời mắc bất kỳ dị tật bẩm sinh nào, hoặc quá trình theo dõi phát hiện thai chậm phát triển thì bác sĩ sẽ cân nhắc thời điểm thích hợp để chỉ định sinh mổ, đảm bảo an toàn cho em bé.
- Sinh mổ nhiều lần: Phụ nữ từng sinh mổ nhiều lần được khuyến cáo tiếp tục sử dụng phương pháp này khi sinh con.
- Tình trạng phần phụ của thai bất thường: Bánh rau tiền đạo, dây rốn tiền đạo, được chỉ định sinh mổ bắt buộc do các phần phụ này cản trở đường ra tự nhiên của em bé.
- Sức khỏe chung của sản phụ: Người phụ nữ tuổi cao, mắc bệnh tiểu đường, huyết áp cao và các vấn đề về tim, nhiễm HIV, bệnh lây truyền qua đường tình dục hoặc các biến chứng nghiêm trọng khác có thể cân nhắc sinh mổ để đảm bảo an toàn.
Thực tế, nhiều phụ nữ thụ thai nhờ IVF lớn tuổi, vô sinh nhiều năm, cơ hội có con rất ít nên chủ động chọn phương pháp sinh mổ để tránh rủi ro khi sinh con tự nhiên. Đặc biệt là các trường hợp mang đa thai, do một số rủi ro nhất định như sinh non và dị tật.
Tại Trung tâm Hỗ trợ sinh sản, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội (IVF Tâm Anh), người bệnh hiếm muộn điều trị thành công và có thai sẽ được theo dõi thai chặt chẽ suốt 3 tháng đầu tại trung tâm. Từ tuần 12, thai phụ tiếp tục được chăm sóc với bác sĩ Trung tâm Sản Phụ khoa. Dựa trên yếu tố sức khỏe của mẹ và chất lượng của nhau thai, nước ối, xem xét quá trình chuyển dạ..., đội ngũ y bác sĩ tư vấn phương pháp sinh phù hợp, đảm bảo sức khỏe mẹ và bé trong và sau sinh.