Testosterone thấp
Testosterone là hormone nam, khi sụt giảm có thể dẫn đến nhiều triệu chứng mệt mỏi, trầm cảm và giảm ham muốn tình dục.
Testosterone chịu trách nhiệm cho sự phát triển của nhiều đặc điểm thể chất, được coi là điển hình của nam giới, chẳng hạn như giọng nói trầm, mọc tóc, tăng mật độ xương... Cơ thể mọi người đều sản sinh testosterone tự nhiên nhưng ở nam giới cao hơn. Testosterone được sản xuất chủ yếu ở tinh hoàn (chiếm đến hơn 90%) và một phần nhỏ ở tuyến thượng thận. Testosterone thấp, còn gọi là suy sinh dục nam, ảnh hưởng tới cả chức năng sinh lý, thể chất ở phái mạnh.
Dấu hiệu
Tùy thuộc vào nguyên nhân và độ tuổi, các triệu chứng có thể khác nhau.
Ở thanh thiếu niên, thanh niên:
Cơ quan sinh dục kém phát triển.
Khởi phát dậy thì muộn.
Thiếu các đặc điểm giới tính thứ cấp, như giọng nói trầm và lông mặt.
Nam giới trung niên trở lên:
Mệt mỏi.
Trầm cảm.
Vấn đề về giấc ngủ.
Ham muốn tình dục thấp.
Không có khả năng đạt được hoặc duy trì sự cương cứng.
Số lượng tinh trùng thấp.
Ngực to hoặc mềm.
Mất cơ và xương.
Vấn đề sinh sản.
Rụng lông trên cơ thể.
Đàn ông có mức testosterone thấp đôi khi không có triệu chứng cụ thể. Ngoài ra, một số triệu chứng, chẳng hạn như mệt mỏi, khó ngủ và trầm cảm, có thể do nhiều tình trạng tiềm ẩn khác, do đó nam giới cần đi khám nếu gặp các biểu hiện này trong thời gian dài.
Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ
Mức testosterone của phái mạnh bắt đầu suy giảm tự nhiên bắt đầu từ khoảng 30 tuổi và sau đó giảm khoảng 1% mỗi năm trong suốt quãng đời còn lại.
Một số tình trạng bệnh lý khác có thể gây ra mức testosterone thấp hơn đáng kể so với bình thường ở nam thanh niên trai và đàn ông, bao gồm:
Bệnh tự miễn.
Bệnh gan hoặc thận mạn tính.
Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính.
Yếu tố di truyền.
Suy tim.
HIV hoặc AIDS.
Nhiễm trùng (như quai bị).
Chấn thương tinh hoàn.
Rối loạn chuyển hóa.
Béo phì.
Prolactinoma (khối u tiết prolactin) hoặc các khối u khác trong tuyến yên.
Ung thư tinh hoàn hoặc điều trị ung thư tinh hoàn.
Bệnh tiểu đường type 2.
Chẩn đoán
Testosterone thấp được chẩn đoán bằng các xét nghiệm sau:
Tổng mức testosterone.
Hormone Luteinizing (LH): Mức độ bất thường có thể có nghĩa là tuyến yên có vấn đề, có thể gây ra testosterone thấp.
Mức độ Prolactin trong máu: Mức độ cao cũng có thể báo hiệu các vấn đề về tuyến yên hoặc khối u.
Huyết sắc tố trong máu (Hgb).
Xét nghiệm nội tiết tố Estradiol: Chỉ định nếu bệnh nhân nam có bộ ngực to.
Xét nghiệm máu Glycosylat hóa Hemoglobin (HgbA1C): Kiểm tra mức độ huyết sắc tố gắn với glucose để xác định nguy cơ tiểu đường, có thể góp phần chẩn đoán.
Điều trị
Thay đổi lối sống:
Giảm cân: Giảm cân, đặc biệt ở nam giới béo phì hoặc có bệnh lý tiềm ẩn như tiểu đường có thể góp phần khiến nồng độ testosterone tăng lên.
Hạn chế tiêu thụ rượu: Uống quá nhiều rượu có thể chuyển đổi testosterone thành estrogen. Nam giới nên hạn chế uống tối đa hai ly mỗi ngày.
Giảm căng thẳng: Hormone căng thẳng cortisol có thể làm ảnh hưởng đến tác dụng của testosterone.
Ngủ đủ giấc: Thiếu ngủ làm tăng nồng độ cortisol.
Rèn luyện thể chất thường xuyên: Tập thể dục xen kẽ có thể xây dựng khối lượng cơ bắp, từ đó giải phóng testosterone từ protein.
Tránh hóa chất BPA: Uống nước bằng cốc nhựa làm bằng hóa chất bisphenol A (BPA) có thể làm giảm nồng độ testosterone.
Tăng cường lượng kẽm: Kẽm có nhiều trong hải sản có vỏ (trai, hàu, nghêu), khoáng chất này có thể hỗ trợ mức testosterone một cách tự nhiên.
Ăn chất béo lành mạnh: Thêm chất béo từ các loại hạt, bơ và dầu ô liu vào chế độ ăn uống. Hạn chế đường, có thể làm giảm testosterone.
Liệu pháp thay thế testosterone (TRT)
Khi các biện pháp thay đổi lối sống không mang lại kết quả, liệu pháp thay thế TRT có thể giúp ích. TRT có thể phù hợp với các nam thanh niên mắc chứng suy sinh dục. Bổ sung mức testosterone đủ sẽ góp phần duy trì sức khỏe ở nam giới trưởng thành. Tuy nhiên, không nên sử dụng TRT cho nam thiếu niên với mục đích tăng cường chiều cao tuổi dậy thì hoặc thành tích thể thao.