Tầm soát ung thư cổ tử cung được thực hiện thế nào
Tầm soát ung thư cổ tử cung là các xét nghiệm nhằm phát hiện sớm các tổn thương tại cổ tử cung từ trước khi chúng trở thành ung thư.
Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi ThS.BS Phạm Ngọc Ánh, Khoa Phụ sản, Bệnh viện Quân y 175.
Ung thư cổ tử cung là gì?
Ung thư cổ tử cung là sự phát triển của các tế bào bất thường trong niêm mạc cổ tử cung.
Nguyên nhân gây ra ung thư cổ tử cung
- Nhiễm HPV là tác nhân chính gây ra ung thư cổ tử cung, trong đó 2 chủng là HPV type 16 và 18 được cho là chịu trách nhiệm cho hơn 70% các tổn thương tiền ung thư và ung thư tại cổ tử cung.
- Ít nhất 50% phụ nữ có quan hệ tình dục đã từng nhiễm ít nhất một chủng HPV trong cuộc đời.
- Nhiễm HPV thường không có triệu chứng mà phần lớn được phát hiện ra do vô tình đi khám và làm xét nghiệm kiểm tra.
- Tuy nhiên, không phải ai nhiễm HPV cũng bị mắc ung thư cổ tử cung. Hơn 90% các trường hợp nhiễm virus có thể đào thải khỏi cơ thể sau 6-12 tháng. Tuy nhiên, ở một số trường hợp, virus không được đào thải mà tồn tại âm thầm trong cơ thể, lâu dài sẽ tiến triển thành các tổn thương ác tính tại cổ tử cung.
Phân loại ung thư cổ tử cung
Có 2 loại ung thư cổ tử cung được đặt tên theo nơi xuất phát của chúng trong cổ tử cung là:
- Ung thư tế bào vảy (Squamous cell carcinoma), chiếm phần lớn trong các trường hợp ung thư cổ tử cung. Loại ung thư này phát triển từ những tế bào cổ ngoài cổ tử cung.
- Loại hiếm gặp hơn là ung thư biểu mô tuyến (adenocarcinoma): Loại ung thư này phát triển từ những tế bào tuyến ở kênh cổ tử cung.
Triệu chứng
- Ung thư cổ tử cung là loại ung thư tiến triển chậm. Quá trình từ nhiễm HPV nguy cơ cao tiến triển thành ung thư xâm lấn mất khoảng 10-15 năm. Trong một số ít trường hợp diễn tiến trong vòng 1-2 năm.
- Ở giai đoạn sớm, bệnh thường không có triệu chứng hoặc triệu chứng rất mờ nhạt.
- Bệnh thường chỉ biểu hiện ở giai đoạn muộn với một số dấu hiệu không đặc hiệu:
Ra huyết âm đạo bất thường.
Đau khi quan hệ tình dục.
Đau bụng vùng chậu dai dẳng không giải thích được.
Tiết dịch âm đạo bất thường và sút cân.
Mệt mỏi không rõ nguyên nhân...
Khám sàng lọc để phát hiện sớm ung thư cổ tử cung
- Sàng lọc phát hiện sớm ung thư cổ tử cung là phương pháp giúp nhận biết sớm những bất thường, dấu hiệu tiền ung thư hay ung thư giai đoạn sớm trước khi xuất hiện triệu chứng bệnh (thường gặp ở giai đoạn muộn) tăng cơ hội điều trị thành công.
- Tầm soát ung thư cổ tử cung là các xét nghiệm nhằm phát hiện sớm các tổn thương tại cổ tử cung từ trước khi chúng trở thành ung thư. Góp phần làm tăng thành công trong điều trị, giảm tỷ lệ mắc mới và tử vong ở phụ nữ gây ra bởi ung thư cổ tử cung.
Phương pháp tầm soát
- Hiện có 2 phương pháp tầm soát ung thư được sử dụng phổ biến là: xét nghiệm HPV và xét nghiệm tế bào học. Cả 2 loại xét nghiệm này đều sử dụng các tế bào được lấy từ cổ tử cung. Quá trình tầm soát được thực hiện bởi bác sĩ sản phụ khoa một cách đơn giản và nhanh chóng với các dụng cụ và hóa chất chuyên biệt.
Xét nghiệm tế bào học cổ tử cung (PAP test): thông qua việc thu thập và phân tích tế bào ở cổ tử cung nhằm phát hiện các tế bào biến đổi bất thường tại cổ tử cung từ sớm. Các kỹ thuật xét nghiệm tế bào cổ tử cung bao gồm:
PAP truyền thống (Pap smear): đây là xét nghiệm đơn giản, kinh điển, tương đối rẻ tiền và không gây đau.
PAP nhúng dịch (ThinPrep/ Liquid prep): đây là kỹ thuật có giá trị cao để chẩn đoán tế bào học bởi ưu điểm cho ra hình ảnh mô học đẹp, dễ đọc, nhờ đó tăng độ nhạy và độ đặc hiệu trong việc phát hiện các tế bào biểu mô bất thường, tuy nhiên có giá thành cao hơn so với PAP truyền thống.
Xét nghiệm định type HPV (xét nghiệm virus) có thể đồng thời phát hiện được tới 40 chủng HPV khác nhau trong nhóm nguy cơ thấp và nguy cơ cao. Mẫu xét nghiệm HPV được thực hiện trên cơ sở một mẫu tế bào được lấy ra từ cổ tử cung, được chiết tách bằng máy phân tích nhằm xác định chính xác sự hiện diện của virus HPV.
- Các xét nghiệm HPV thường được thực hiện kết hợp với xét nghiệm Pap.
Nên tầm soát ung thư cổ tử cung tại thời điểm nào?
- Phụ nữ từ 21-29 tuổi đã có quan hệ tình dục nên bắt đầu làm xét nghiệm tế bào học (Pap) ở tuổi 21 và lặp lại mỗi 3 năm nếu kết quả bình thường.
- Phụ nữ từ 30-65 tuổi có thể lựa chọn một trong các loại tầm soát sau:
Chỉ xét nghiệm PAP: Nếu kết quả xét nghiệm bình thường, có thể lặp lại sau 3 năm.
Chỉ xét nghiệm HPV: đây được gọi là xét nghiệm HPV cơ sở (primary HPV testing), nếu kết quả xét nghiệm âm tính nên lặp lại mỗi 5 năm.
Bộ đôi xét nghiệm Pap và HPV (co-testing): nếu kết quả xét nghiệm bình thường có thể lặp lại sau 5 năm.
- Phụ nữ trên 65 tuổi: có thể ngưng thực hiện xét nghiệm tầm soát nếu:
Nếu có 3 kết quả Pap hoặc 2 kết quả HPV là bình thường và âm tính trong vòng 10 năm trở lại đây và không có tổn thương tiền ung thư trước đó, hoặc đã cắt tử cung hoàn toàn hoặc một phần mà không phải vì nguyên nhân ung thư.
Theo các hướng dẫn sàng lọc mới nhất được cập nhật, nên thực hiện xét nghiệm HPV ở tuổi 25 và tiến hành xét nghiệm lại cách 5 năm/lần cho đến năm 65 tuổi. Tuy nhiên, có thể tiến hành khám sàng lọc ung thư theo tình trạng sức khỏe và hướng dẫn của bác sĩ.
Cần lưu ý gì trước khi làm xét nghiệm tầm soát?
- Tránh quan hệ tình dục, sử dụng các sản phẩm thuốc âm đạo, sản phẩm vệ sinh âm đạo trong vòng 2-3 ngày trước khi xét nghiệm.
- Tránh tầm soát loại ung thư này khi đang có kinh nguyệt. Nên thực hiện tầm soát khi chu kỳ kinh nguyệt kết thúc 3-5 ngày.
- Đối với các trường hợp viêm âm đạo thì nên được điều trị trước khi làm xét nghiệm tầm soát.
Phòng ngừa ung thư cổ tử cung
- Tiêm vaccine phòng virus HPV được xem là biện pháp phòng ngừa đơn giản mà hữu hiệu nhất, để giảm nguy cơ mắc bệnh lý ở nữ giới. Thêm vào đó, vaccine còn giúp phòng ngừa mụn cóc ở cơ quan sinh dục và các bệnh lý ung thư cơ quan sinh dục khác như âm đạo, dương vật, âm hộ, hậu môn...
- Khuyến cáo chị em phụ nữ xây dựng đời sống lành mạnh, giảm thiểu nguy cơ lây nhiễm virus HPV tác nhân dẫn đến u cổ tử cung:
Không quan hệ tình dục sớm, nhất là ở độ tuổi vị thành niên vì cơ quan sinh dục chưa phát triển hoàn thiện, còn nhạy cảm.
Thực hiện quan hệ tình dục an toàn. Không quan hệ tình dục với nhiều bạn tình vì nguy cơ cao lây nhiễm virus HPV, đặc biệt là khi bạn tình có nhiều bạn tình khác.
Nên vệ sinh sạch sẽ vùng kín trong các kỳ kinh nguyệt, sau khi quan hệ tình dục...
Đến ngay cơ sở chuyên khoa để thăm khám và điều trị kịp thời khi có những triệu chứng bất thường.