Tại sao polyp dây thanh gây khàn tiếng?
Tôi bị khàn giọng thường xuyên, nghi ngờ polyp dây thanh. Tình trạng này nguy hiểm không? Tại sao polyp dây thanh gây khàn tiếng và điều trị như thế nào? (Kim Hưng, 30 tuổi, TP HCM)
Trả lời:
Polyp dây thanh là khối u lành tính ở dây thanh, kích thước của polyp có thể to hoặc nhỏ, có cuống hoặc không cuống. Triệu chứng điển hình là rối loạn giọng nói khiến người bệnh khàn tiếng kéo dài, hụt hơi khi nói. Ban đầu, khàn tiếng xảy ra từng đợt nhưng tăng cường độ, xuất hiện liên tục. Polyp có cuống có thể di động khi thanh môn (vùng giữa hai dây thanh âm) đóng mở, do đó người bệnh có cảm giác vướng vùng cổ họng như có sợi tóc hay dị vật cản trở. Người bệnh hắng giọng nhiều làm polyp phù nề, giọng càng khàn đặc.
Polyp dây thanh gây khàn tiếng do khối u khiến hai dây thanh âm không khép kín được, rung động không đều, làm giọng nói bị thay đổi. Mức độ khàn tiếng phụ thuộc vào kích thước polyp. Polyp càng to, khoảng hở thanh môn khi phát âm càng rộng, giọng khàn càng nhiều. Người bệnh thường mệt khi nói kèm hụt hơi.
Chẩn đoán polyp dây thanh thường được thực hiện bằng nội soi thanh quản, sử dụng ống mềm qua đường mũi hoặc ống cứng qua đường miệng. Bác sĩ nội soi bằng ống nội soi thanh quản để quan sát tổn thương dây thanh. Ngoài ra, bác sĩ cũng có thể nội soi hoạt nghiệm thanh quản, tức sử dụng nguồn sáng sợi quang học quay lại hình ảnh di chuyển chậm của hoạt động dây thanh. Kỹ thuật này giúp khảo sát được hình thể và chức năng dây thanh, các tổn thương dây thanh gây ảnh hưởng chức năng phát âm.
Polyp dây thanh lành tính, không phát triển thành u ác tính (ung thư) như các loại polyp khác, nhưng polyp kích thước lớn có thể làm cho người bệnh khó thở. Polyp không tự biến mất, người bệnh cần được chẩn đoán chính xác tổn thương và điều trị kịp thời.
Điều trị gồm nội khoa và phẫu thuật. Điều trị nội khoa bằng thuốc, người bệnh hạn chế nói to và nhiều, tái khám theo lịch hẹn bác sĩ. Nếu người bệnh không đáp ứng điều trị nội khoa, bác sĩ có thể chỉ định phẫu thuật cắt polyp dây thanh, thời gian khoảng 30 phút. Sau mổ ba tuần, người bệnh hồi phục giọng nói gần như bình thường, nội soi kiểm tra dây thanh. Không phải tất cả polyp dây thanh đều phải điều trị bằng phẫu thuật. Tùy theo mức độ, giai đoạn bệnh, bác sĩ chỉ định phương pháp phù hợp.
Polyp dây thanh không nguy hiểm đến tính mạng nhưng người bệnh cũng không nên chủ quan. Nếu bạn có các dấu hiệu nghi ngờ polyp thanh quản như khàn giọng, nói khó, cần đến ngay cơ sở y tế có chuyên khoa Tai Mũi Họng để khám và điều trị kịp thời.