Tại sao gout thường khởi phát ở bàn chân?
Gout thường khởi phát ở bàn chân, nhất là khớp ngón chân cái, vì đây là các vị trí xa tim nhất, lượng máu tuần hoàn ít nên dễ lắng đọng tinh thể muối urat.
Gout là dạng viêm khớp phổ biến, gây ra những cơn đau đột ngột và dữ dội ở các khớp, kèm theo sưng đỏ, khiến người bệnh khó đi lại.
Chỉ số axit uric trong máu của nam giới ở mức cố định là 210-420 umol/L và 150-350 umol/L với phụ nữ. Lượng axit uric trong cơ thể vượt ngưỡng an toàn sẽ kết tủa thành các tinh thể urat trong khớp. Các tinh thể này có cấu trúc nhỏ, cứng, sắc nhọn có thể cọ xát vào màng hoạt dịch gây sưng, đau và viêm nhiều, tạo ra các đợt gout cấp.
ThS.BS Đồng Thị Thủy Quỳnh, khoa Cơ xương khớp, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội, cho biết gout có thể xảy ra ở tất cả khớp trong cơ thể nhưng thường khởi phát ở khớp ngón chân vì hai nguyên nhân sau:
Thay đổi nhiệt độ: Axit uric rất nhạy cảm với sự thay đổi của nhiệt độ. Ở nhiệt độ thấp, sự bão hòa của muối urat giảm, dẫn đến hình thành các tinh thể muối urat lắng đọng trong khớp. Bàn chân, nhất là ngón chân cái, là bộ phận ở xa tim nhất nên lượng máu tuần hoàn đến đây ít hơn những cơ quan khác trong cơ thể, khiến chúng có nhiệt độ thấp hơn. Vì vậy, ngón chân cái thường dễ lắng đọng các tinh thể muối urat, làm khởi phát bệnh gout và xảy ra phản ứng viêm mạnh nhất.
Vi chấn thương: Bàn chân là một trong những bộ phận hoạt động nhiều ở chi dưới nên dễ dẫn đến chấn thương. Dù là chấn thương nhỏ cũng có thể làm thay đổi các tính chất sinh học của khớp, trong đó có độ pH, tạo điều kiện cho sự gia tăng lắng đọng axit uric trong khớp.
Tùy vào mức độ bệnh, tần suất bùng phát các cơn gout cấp có thể từ vài tháng đến vài năm một lần. Nếu không được kiểm soát tốt, khi các cơn gout cấp diễn ra thường xuyên, phạm vi khớp bị ảnh hưởng tăng lên. Từ đó có nguy cơ dẫn đến các biến chứng nguy hiểm như thoái hóa khớp, hoại tử khớp và tàn phế; sỏi thận, suy giảm chức năng thận, nhiễm trùng đường tiết niệu; hẹp động mạch có thể dẫn đến đột quỵ, đau tim hoặc các vấn đề về tim mạch khác; trầm cảm; rối loạn cương dương...
Bác sĩ Quỳnh cho biết hiện chưa có phương pháp điều trị dứt điểm bệnh gout. Tuy nhiên, người bệnh vẫn có thể chung sống với gout bằng các duy trì lượng axit uric trong máu ở mức ổn định, từ đó làm giảm triệu chứng và ngăn bệnh phát triển. Người bệnh nên tuân thủ chỉ định của bác sĩ và khám định kỳ, lưu ý trong sinh hoạt hàng ngày.
Tuân thủ chế độ ăn lành mạnh, hạn chế thực phẩm có hàm lượng purine cao như nội tạng động vật, hải sản, một số loại đậu, thịt... Bỏ thuốc lá, kiêng rượu bia và các chất kích thích. Người bệnh nên uống nhiều nước nhằm hỗ trợ đào thải axit uric thừa từ thận, giảm triệu chứng sưng viêm.
Vận động thường xuyên giúp làm giảm nồng độ axit uric trong máu và phục hồi sự linh hoạt của khớp sau các cơn đau cấp tính. Tập thể dục đã được chứng minh có tác dụng giảm viêm. Tuy nhiên, người bệnh không nên tập luyện trong thời gian bệnh đang bùng phát.
Giảm căng thẳng và nghỉ ngơi đầy đủ để ngăn ngừa các đợt bùng phát bệnh.
Chườm lạnh có tác dụng giảm sưng, đau và viêm hiệu quả, tuy nhiên chỉ nên thực hiện khi người bệnh có cơn gout cấp.