Tại sao dễ chấn thương khi chạy bộ?
Phản lực từ mặt đường tác động lên bàn chân, gối, bẹn, khớp cùng chậu, cột sống khi chạy bộ buộc các cơ khớp này hoạt động nhiều hơn, tăng nguy cơ chấn thương.
Chạy bộ mang lại nhiều lợi ích như cải thiện tâm trạng, tăng cường sức khỏe tim mạch và xương khớp, giảm cân, kéo dài tuổi thọ... Đây là hình thức vận động đơn giản, ít tốn kém và phù hợp với mọi lứa tuổi nên rất được ưa chuộng.
ThS.BS.CKI Hồ Văn Duy Ân, Trung tâm Chấn thương Chỉnh hình, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, lưu ý người chạy bộ có thể bị chấn thương từ vùng bàn chân, gối, bẹn, khớp cùng chậu đến cột sống, nhất là cột sống thắt lưng. Các chấn thương thường gặp gồm bong gân mắt cá chân, viêm gân bánh chè, viêm cân gan bàn chân, rách sụn chêm...
Bác sĩ Ân giải thích khi chạy bộ, mũi chân sẽ tiếp đất trước nên khớp ngón cái là vị trí chịu lực đầu tiên. Nếu giày chạy không đủ độ mềm để hấp thụ lực, về lâu dài làm thoái hóa khớp ngón cái (vị trí khớp nối giữa ngón chân cái và bàn chân).
Cổ chân cũng rất dễ bị chấn thương. Vòm bàn chân bao gồm cơ và cân gan chân, chịu trách nhiệm giảm phản lực từ mặt đất dội lên, góp phần giữ thăng bằng khi chạy. Do đó, người có vòm bàn chân thấp, chân bẹt hoặc mang giày không có đệm lót để tạo vòm bàn chân dễ bị tổn thương cổ chân do khả năng giảm phản lực kém. Các chấn thương lặp lại dẫn đến thoái hóa khớp cổ chân và viêm sụn xương bóc tách, làm người bệnh đau và mất khả năng chạy.
Nhóm chấn thương phổ biến thứ hai là tổn thương khớp gối, khớp cùng chậu và vùng cột sống thắt lưng. Khi chạy, tế bào sụn và khớp gối phải chịu áp lực từ trọng lượng cơ thể đè xuống và phản lực từ đất dội lên. Từ đó đẩy nhanh tốc độ thoái hóa khớp, nhất là ở người có gối vẹo trục ra ngoài hoặc vào trong. Ngoài ra, trọng lượng và vận tốc chạy cũng tạo ra lực tác động lên cột sống và khớp cùng chậu. Điều này dẫn đến thoái hóa khớp cùng chậu và vùng cột sống thắt lưng.
Để đạt được lợi ích khi chạy bộ và phòng tránh chấn thương, theo bác sĩ Ân, người chạy không nên ép buộc cơ thể hoạt động nhiều hơn đột ngột, tránh tăng cường độ tập luyện quá 10% mỗi tuần. Nên thực hiện thêm bài tập tăng cường sức mạnh nhóm cơ dựng sống, cơ hông, cơ đùi và bắp chân, từ đó giảm nguy cơ té ngã, phòng chấn thương dây chằng và khớp.
Trong quá trình vận động, người chạy cần cung cấp đủ nước cho cơ thể để tránh mất nước, ngăn ngừa chuột rút. Uống đủ nước còn giúp trái tim không phải làm việc quá sức để bơm máu đến cơ thể, oxy và các chất dinh dưỡng được vận chuyển đầy đủ đến các cơ đang làm việc khi chạy bộ. Người chạy nên mặc quần áo thoải mái, sử dụng dụng cụ bảo hộ cần thiết. Lưu ý thay mới giày chạy sau khi sử dụng khoảng 600 km hoặc đã mòn.
Bất kỳ người chạy nào, dù là người mới chạy hay có kinh nghiệm lâu năm, đều có nguy cơ chấn thương. Bác sĩ Ân khuyến cáo người chạy không nên chủ quan, cần đảm bảo chế độ nghỉ ngơi hợp lý và theo dõi các bất thường của cơ thể. Ngừng chạy khi cảm thấy mệt mỏi, đau cơ, khó thở.
Người bị chấn thương cần được sơ cứu bằng phương pháp RICE, gồm 4 bước là nghỉ ngơi (rest), chườm lạnh (ice), băng ép (compression), kê cao vị trí chấn thương (elevation). Sau đó nhanh chóng đi khám để được bác sĩ chẩn đoán và can thiệp kịp thời, ngăn ngừa biến chứng nặng.