Tại sao còn trẻ vẫn mắc bệnh đái tháo đường?
Công ty tôi có nhiều người trẻ nhưng bị đái tháo đường type 2. Tôi tưởng đây là bệnh người già. Tại sao người trẻ mắc bệnh này và làm gì để phòng ngừa? (Quang Thắng, 35 tuổi, Cần Thơ)
Trả lời:
Đái tháo đường là một trong những bệnh không lây nhiễm phổ biến trên toàn cầu. Tại Việt Nam có khoảng gần 7 triệu người mắc bệnh bệnh đái tháo đường. Trong đó, hơn 55% bệnh nhân đã có biến chứng, gồm 39,5% biến chứng về mắt và thần kinh, 34% là biến chứng tim mạch, 24% biến chứng thận.
Đái tháo đường có thể gây tàn tật và tử vong sớm. Đây là một trong những nguyên nhân hàng đầu dẫn đến mù lòa, bệnh tim mạch, suy thận, viêm loét chân phải cắt cụt. Những năm gần đây, đái tháo đường type 2 có xu hướng trẻ hóa do nhiều yếu tố như lối sống thiếu khoa học, dùng nhiều thức ăn nhanh, thực phẩm chế biến. Người trẻ lười vận động, tỷ lệ béo phì tăng cũng tạo điều kiện cho đái tháo đường type 2 phát triển.
Người không kiểm soát tốt bệnh có thể gặp phải các biến chứng như bệnh tim mạch, suy thận, mắt mờ, từ đó làm giảm chất lượng cuộc sống, tăng gánh nặng điều trị, ảnh hưởng đến tâm lý về sau.
Bạn và đồng nghiệp có thể tham khảo chế độ ăn phòng bệnh đái tháo đường type 2 như cung cấp đủ các nhóm chất cần thiết gồm chất đạm, chất béo, vitamin và khoáng chất, tăng cường rau xanh. Hạn chế thực phẩm chế biến sẵn, thức ăn nhanh nhiều dầu mỡ, giàu tinh bột và đường. Tăng cường tập luyện thể dục thể thao. Giảm cân nếu thừa cân, béo phì.
Người trẻ có các yếu tố nguy cơ như thừa cân, béo phì, vùng bụng to trên 90 cm ở nam và 80 cm ở nữ, ít vận động, gia đình có người thân bị đái tháo đường, nên tầm soát bệnh sớm. Người mắc bệnh tim mạch, rối loạn lipid máu, hội chứng buồng trứng đa nang và đái tháo đường thai kỳ cũng nên kiểm tra thường xuyên.