Tại sao bị chuột rút?
Cơ thể thiếu canxi, một số vitamin nhóm B, vitamin D, mất cân bằng điện giải có thể dẫn đến co thắt cơ, gây chuột rút và những cơn đau khó chịu.
Chuột rút còn gọi vọp bẻ, là hiện tượng co cơ, có thể xảy ra ở bàn chân, bắp chân, thường đến bất ngờ, gây đau đớn, khó chịu. Chúng có thể liên quan đến nhiều nguyên nhân khác nhau như tập thể dục khi trời nóng, mất nước, mang thai, lão hóa, rối loạn thần kinh hoặc tuyến giáp, tác dụng phụ của thuốc... Thiếu hụt khoáng chất và vitamin cũng có nguy cơ gây chuột rút.
Canxi
Thiếu canxi trầm trọng dẫn đến hạ canxi máu đột ngột, cơ bị co thắt, chuột rút, gây đau đớn và khó chịu.
Vitamin B
Thiếu hụt vitamin B góp phần gây ra các vấn đề về cơ, chuột rút ở cẳng chân. Chuột rút cơ bắp cũng là triệu chứng cảnh báo.
Vitamin D
Cơ thể không nhận đủ vitamin D có thể dẫn đến đau cơ. Người thiếu vitamin D thường bị chuột rút ở chân. Khắc phục tình trạng thiếu dưỡng chất này có thể giảm chuột rút.
Mất cân bằng điện giải
Mất cân bằng điện giải cũng có thể là nguyên nhân, xảy ra khi mất quá nhiều chất lỏng do đổ mồ hôi, không uống đủ nước, nôn mửa hoặc tiêu chảy.
Chất điện giải gồm các khoáng chất như natri, kali, magiê, canxi, nước. Thiếu natri, kali, canxi có thể gây yếu cơ, co thắt và chuột rút. Magiê có thể có tác dụng tương tự, nếu cơ thể không nhận đủ có thể tạm thời suy giảm chức năng cơ và dẫn đến co thắt.
Mất cân bằng điện giải thường chỉ tạm thời và có thể khắc phục bằng cách bù nước, ăn thực phẩm giàu chất dinh dưỡng. Người gặp triệu chứng buồn nôn, nôn, lú lẫn, co giật hoặc bất tỉnh cần tới bệnh viện vì có thể thiếu natri nghiêm trọng.
Một số biện pháp phòng ngừa hoặc giảm cơn đau do chuột rút bao gồm:
Ăn thực phẩm giàu vitamin: Người bị thiếu hụt vitamin khiến chuột rút cơ nên bổ sung đầy đủ các chất dinh dưỡng. Các món giàu vitamin B gồm cá hồi, rau bina, đậu lăng, thịt gà, cam, bơ. Thực phẩm có nhiều vitamin D như cá hồi, nấm, sữa tăng cường, các sản phẩm đậu nành như đậu phụ, sữa đậu nành.
Uống đủ nước: Người tập thể dục, đổ nhiều mồ hôi, ốm, sốt, tiêu chảy cần uống đủ nước để giữ mức điện giải cân bằng, giúp các cơ hoạt động tốt.
Giãn cơ trước và sau tập thể thao: Cách này giúp ngăn ngừa chứng chuột rút cơ bắp do tập thể dục. Thực hành giãn cơ hoặc vận động nhẹ trước khi đi ngủ có thể hạn chế đau cơ, chuột rút ban đêm.
Massage: Khi vùng xung quanh vị trí co thắt cơ khó chịu, bạn có thể massge để cải thiện tình trạng.
Chuột rút cơ thường tự khỏi nhưng nếu xảy ra thường xuyên mà không rõ nguyên nhân, kèm yếu cơ, sưng tấy, đau nặng thì người bệnh cần đi bác sĩ khám.