Suýt mù mắt do zona thần kinh
TP HCMZona thần kinh tấn công mắt phải của bà Như gây viêm giác mạc, nguy cơ hoại tử, mù lòa.
Bà Như, 55 tuổi, có cảm giác cộm, châm chích, khó chịu bên trong mắt phải không rõ nguyên nhân, hai ngày sau mắt sưng đỏ đau nhức, nhìn mờ, mụn nước lan rộng. Bà mua thuốc uống không khỏi, đến Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TPHCM khám.
Ngày 6/12, BS.CKI Nguyễn Hoàng Anh, Đơn vị Bệnh truyền nhiễm, Khoa Nội Tổng hợp, cho biết các vết sang thương đỏ, sần, dạng bóng nước xuất hiện nhiều ở một bên mặt, có xu hướng lan rộng trùng khớp với vị trí giải phẫu của các dây thần kinh vùng mặt, chẩn đoán zona thần kinh do virus Varicella Zoster.
"Zona thần kinh mắt không quá phổ biến, chiếm khoảng 8% trong tổng các thể zona. Tuy nhiên, trường hợp zona thần kinh tấn công vào mắt gây viêm giác mạc nặng trên nền bệnh tiểu đường như bà Như khá nghiêm trọng, bệnh diễn tiến rất nhanh", bác sĩ Hoàng Anh nói, thêm rằng càng để lâu, virus càng tấn công sâu vào các lớp bên trong mắt hoặc lan sang các cơ quan khác. Với người mắc bệnh đái tháo đường, mức độ nguy hiểm càng cao, dễ bội nhiễm vi trùng nặng, liệt dây thần kinh mặt, nhồi máu cơ tim, đột quỵ.
Ngoài ra, điều trị zona thần kinh trên nền bệnh tiểu đường khó khăn và gặp nhiều rủi ro. Thứ nhất, vì phải dùng kháng viêm do zona nặng nên dễ gây rối loạn đường huyết. Thứ hai, nếu kết hợp với nhiễm trùng nặng dễ dẫn đến các biến chứng của đái tháo đường như hôn mê do toan máu, tăng áp lực thẩm thấu máu.
Bà Như cần điều trị khẩn cấp. Hội chẩn đa chuyên khoa sâu nội tổng hợp, thần kinh, da liễu, mắt, nội tiết - đái tháo đường, người bệnh được điều trị nội khoa, dùng nhiều loại thuốc kháng virus, kháng sinh, kháng viêm, thuốc giảm đau, kiểm soát đường huyết. Bác sĩ theo dõi nguy cơ virus tiếp tục lan rộng, gây ra các biến chứng khác của bệnh zona thần kinh.
Sau 5 ngày điều trị, sức khỏe bà Như dần hồi phục, mắt phải giảm viêm, giảm sưng đỏ. Thị lực dần cải thiện tốt, các sang thương trên da cũng lặn dần. Bệnh nhân không xuất hiện thêm biến chứng khác do zona thần kinh. Các xét nghiệm cận lâm sàng đều trong giới hạn bình thường.
Hai ngày sau, bà Như được xuất viện và tái khám sau một tuần. Bác sĩ khuyến cáo bà Như tiêm vaccine phòng ngừa zona thần kinh và các biến chứng tái phát.
Bác sĩ Hoàng Anh cho biết zona thần kinh và bệnh thủy đậu có liên hệ mật thiết, đều do virus Varicella Zoster gây ra. Bà Như từng mắc thủy đậu, sau khi điều trị, virus vẫn tồn tại và sống ẩn (ngủ) tại các hạch thần kinh trong nhiều tháng, nhiều năm. Khi gặp điều kiện thuận lợi như suy giảm miễn dịch, căng thẳng, suy nhược, virus sẽ hoạt động trở lại (thức dậy), rời vị trí trú ngụ, di chuyển dọc dây thần kinh để ra ngoài da và gây bệnh zona thần kinh.
Người từng mắc bệnh thủy đậu khi có biểu hiện nghi mắc zona thần kinh như phát ban, đau, sốt, mệt mỏi và mất ngủ nên khám và điều trị kịp thời tại chuyên khoa nội tổng hợp, thần kinh hoặc da liễu. Tránh để lâu có thể dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm, tử vong. Tiêm vaccine góp phần phòng ngừa bệnh zona thần kinh và các biến chứng nguy hiểm do virus Varicella Zoster gây ra.