Sự thật về 'thần dược' tăng chiều cao sau tuổi 30
Tốn hơn 140 triệu đồng để tiêm hormone tăng trưởng tại một spa ở TP HCM, người phụ nữ 50 tuổi, cao 1,49 m không thêm cm nào như lời quảng cáo.
Nhân viên spa giới thiệu thuốc hormone tăng trưởng, dạng tiêm, công nghệ hiện đại từ Thụy Sĩ, không giới hạn tuổi sử dụng, giúp người trưởng thành cao thêm 4-7 cm. Nghe kể nhiều người nổi tiếng từng sử dụng, bà tin tưởng nộp tiền và tiêm thuốc. Kết quả, sau 3 tháng, chiều cao không thay đổi, người phụ nữ liên hệ nhiều lần với nhân viên spa không được, đến tận nơi thì cơ sở đã đóng cửa.
Cũng mặc cảm gene lùn, chị Minh, 30 tuổi, cao 1,48 cm, chi hơn 10 triệu đồng mua combo "tăng chiều cao, chống loãng xương", gồm nhiều lọ thuốc khác nhau. Người bán cam kết sẽ hiệu quả sau 4-5 tháng, tăng 1-2 cm và cần kiên trì dùng lâu dài. Sau hơn nửa năm, chị cảm thấy tăng cân nhanh, dễ buồn ngủ, cơ thể mệt mỏi, còn chiều cao giữ nguyên.
Gần đây, các nền tảng mạng xã hội tràn lan quảng cáo thuốc, thực phẩm tăng chiều cao ở mọi độ tuổi. Gõ từ khóa tìm kiếm "viên uống tăng chiều cao", hơn 20 triệu kết quả hiển thị trong vài giây. Ngoài các trang web lớn, nhiều người bán hàng sỉ lẻ, bán hàng xách tay... cũng rao bán thuốc tăng chiều cao trên các sàn thương mại điện tử, trang cá nhân, giá trung bình từ 500.000 đồng đến một triệu đồng mỗi hộp.
Người bán cam kết thường sản phẩm không có tác dụng phụ, dành cho cả người sau 30 tuổi, cơ địa khó cao. Thuốc gồm dạng viên hoặc gói, xuất xứ từ Nhật Bản, Mỹ, châu Âu. Không ít người bán còn đăng cả những "tin nhắn phản hồi của khách hàng" nhằm minh chứng cho hiệu quả tăng cao của sản phẩm.
BS.CK2 Nguyễn Khoa Bình Minh, Phó Khoa Thận Nội tiết, Bệnh viện Nhi đồng 2, cho rằng việc tăng chiều cao ở tuổi 30 là "không có khả năng", bởi sau tuổi dậy thì, các sụn xương đóng lại, rất khó phát triển. Trước và trong độ tuổi dậy thì, các sụn ở đầu xương thường mềm, cho phép sự tăng trưởng của xương hoạt động mạnh.
Cùng quan điểm, ThS.BS Nguyễn Trọng Tín, Phòng khám Nhi khoa Y học cổ truyền, Bệnh viện Đại học Y Dược TP HCM cơ sở 3, cho biết sau 25 tuổi, cơ thể hầu như không thể cao thêm. Quá trình tăng chiều cao diễn ra từ lúc mới sinh, tập trung nhiều vào thời điểm dậy thì. Đối với nữ, độ tuổi phát triển quan trọng là 8-13, nam là trong khoảng 9-14 tuổi vì đây là giai đoạn biến đổi các hormone giúp xương dài ra kèm theo phát triển các bộ phận khác. Khi qua giai đoạn dậy thì và càng lớn tuổi, lượng hormone tăng trưởng mà cơ thể sản xuất càng giảm đi.
Tương tự, Ths.BS nhi khoa Đào Nguyễn Phương Linh giải thích, sau tuổi dậy thì, khả năng phát triển chiều cao của trẻ thường giảm đi đáng kể và hầu như ngừng hoàn toàn. Điều này là do các đĩa tăng trưởng ở các đầu xương dài đã đóng lại. Trong quá trình dậy thì, hormone giới tính (estrogen ở nữ và testosterone ở nam) thúc đẩy sự tăng trưởng nhanh chóng, nhưng cũng dẫn đến việc đóng đĩa tăng trưởng dần dần. Khi các đĩa tăng trưởng đóng lại hoàn toàn, xương không thể kéo dài thêm nữa, đồng nghĩa chiều cao sẽ không tăng thêm.
Ở đa số người bình thường, các đĩa tăng trưởng sẽ đóng lại hoàn toàn ở khoảng 16-18 tuổi đối với nữ và 18-21 tuổi ở nam. Sau giai đoạn này, việc tăng chiều cao tự nhiên gần như không còn khả thi.
Các bác sĩ cho rằng một số thuốc hoặc thực phẩm chức năng được cho là có tác dụng đảo ngược hoặc làm chậm quá trình đóng đĩa tăng trưởng. Tuy nhiên, hiện chưa có bằng chứng y khoa chính xác nào công nhận tác dụng này.
Biện pháp duy nhất giúp tăng chiều cao sau tuổi 30 là phẫu thuật kéo dài chân, song phức tạp, tốn kém và rủi ro. Tuy nhiên, việc duy trì tư thế tốt và chăm sóc xương khớp ở tuổi trưởng thành, dù không giúp tăng thêm chiều cao, song có thể tối ưu hóa chiều cao hiện tại và giảm các vấn đề về lưng, cột sống.
Bác sĩ giải thích việc tiêm hormone tăng trưởng chỉ được áp dụng cho nhóm phù hợp và cần chỉ định từ nhân viên y tế. Nếu dùng loại hormone này cho người lớn phát triển bình thường, có thể gây biến chứng nghiêm trọng khi nồng độ hormone tăng trưởng cao đột biến. Việc lạm dụng có thể dẫn đến sự phát triển bất thường của các cơ quan nội tạng, xơ vữa động mạch, tăng huyết áp, xương phát triển bất thường...
Chuyên gia khuyến nghị cha mẹ nên tập trung phát triển chiều cao cho trẻ theo từng giai đoạn. Theo đó, cần sắp xếp ít nhất 60 phút vận động mỗi ngày, có thể chia từng quãng nhỏ. Chẳng hạn, 20 phút đi bộ từ nhà đến trường và từ trường về nhà, 10 phút nhảy dây, 30 phút chơi tại sân chơi. Các hoạt động thể chất cần phù hợp với độ tuổi của trẻ, tạo không khí vui vẻ. Những trò chơi vận động là lựa chọn tốt nhất với trẻ nhỏ.
Trẻ 6-12 tuổi có thể thực hiện các bài vận động ở nhiều hình thức. Trong đó, bài tập có nhịp điệu gồm các bài có cường độ trung bình (aerobic, đạp xe, đi bộ nhanh, khiêu vũ, trượt patin, võ thuật như karate, taekwondo), cường độ mạnh (bóng rổ, đạp xe, nhảy dây, chạy, chơi bóng đá, bơi lội). Các bài tập tăng cường sức mạnh (đối kháng) nên thực hiện là kéo co, chống đẩy, đu xà... Các bài tập củng cố xương gồm bóng rổ, nhảy dây, chạy bộ, tennis, bóng chuyền, chống đẩy...
Nhắc trẻ hạn chế ngồi một chỗ. Tại trường, các em đã ngồi học trong khoảng thời gian dài, nên khi về nhà, tránh ngồi xem tivi, chơi điện tử, nghịch điện thoại, iPad... Với trẻ 6-12 tuổi, cần hạn chế thời gian ngồi trước màn hình xuống dưới 2 tiếng mỗi ngày.
Đưa trẻ đi khám khi thấy tốc độ tăng trưởng dưới 4 cm mỗi năm, càng sớm càng tốt. Nếu đường cong biểu diễn chiều cao của trẻ nằm ngang hoặc đi xuống và đã loại trừ vấn đề suy dinh dưỡng thì rất có thể, trẻ bị thiếu hormone tăng trưởng, cần điều trị thuốc tiêm theo chỉ định bác sĩ.