Són tiểu - bệnh thường gặp ở phụ nữ lớn tuổi
Phụ nữ lớn tuổi, đã sinh nở, dễ gặp tình trạng tiểu không tự chủ gây bất tiện, thiếu tự tin, ảnh hưởng đến sức khỏe và chất lượng sống.
Tiểu không tự chủ (són tiểu) là tình trạng nước tiểu rò rỉ không kiểm soát khi ho, cười lớn, hắt hơi, mang vật nặng, chạy, nhảy, chơi thể thao... hoặc cảm giác muốn đi tiểu đột ngột, liên tục đến mức không thể phản ứng kịp.
Ngày 11/4, PGS.TS.BS.CKII Trần Văn Hinh, Trưởng khoa Tiết niệu - Nam học, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội, cho biết khoảng 24-45% phụ nữ trên 30 tuổi gặp tình trạng tiểu không tự chủ. Phụ nữ lớn tuổi, đã sinh nở thường mắc bệnh này do cơ thắt niệu đạo, hệ thống cơ sàn chậu suy yếu.
Bệnh này không ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe nhưng tác động lớn đến chất lượng cuộc sống. Người bệnh có thể mang mặc cảm, bối rối, thiếu tự tin khi giao tiếp, hạn chế tham gia hoạt động xã hội, sống khép kín. Đa số trường hợp chỉ đi khám khi bệnh đã nghiêm trọng, phải dùng băng vệ sinh thường xuyên trong nhiều năm.
Như chị Hoài, 48 tuổi, ngụ Lai Châu, bị tiểu són khi gắng sức như vận động mạnh, cười, hắt hơi, 8 năm nay phải dùng băng vệ sinh, đeo bỉm hàng ngày. Chị điều trị bằng nhiều phương pháp nhưng tình trạng nặng hơn. Bác sĩ chẩn đoán chị bị sa bàng quang, gây tiểu không kiểm soát khi gắng sức.
Trường hợp khác, bà Mai, 54 tuổi, ngụ Hải Dương, bị són tiểu 4 năm, thỉnh thoảng tiểu buốt, tức bụng dưới. Bà tự mua thuốc uống không bớt, hầu như chỉ ở nhà nội trợ, ngại tiếp xúc mọi người. Kết quả khám cho thấy bà bị sa bàng quang, viêm đường tiểu.
Người bệnh són tiểu ở giai đoạn đầu được hướng dẫn các bài tập làm tăng sức căng của cơ sàn chậu. Có thể kết hợp máy kích thích co bóp cơ sàn chậu, trong đó thuốc chỉ là phương pháp hỗ trợ.
Ở giai đoạn muộn, khi các bài tập không hiệu quả, bác sĩ chỉ định phẫu thuật đặt dải băng treo cổ bàng quang, gọi là phẫu thuật TOT. Phó giáo sư Hinh cho biết phương pháp này xâm lấn tối thiểu, thực hiện trong thời gian ngắn, độ an toàn cao, hạn chế biến chứng, không cần cắt cơ vùng bụng và tầng sinh môn, không nhìn thấy sẹo. TOT giúp điều trị tối ưu bệnh tiểu không tự chủ ở phụ nữ, phục hồi nhanh, thời gian nằm viện ngắn 2-3 ngày.
Chị Hoài và bà Mai được phó giáo sư Hinh phẫu thuật treo cổ bàng quang. Bác sĩ rạch thành trước âm đạo khoảng 1,5 cm, bóc tách tới sát niệu đạo, dùng kéo phẫu tích nhẹ nhàng thành trước và một phần thành bên âm đạo. Sau đó, dùng dụng cụ luồn dải lưới vòng qua niệu đạo, điều chỉnh độ căng vừa đủ và treo lên hai bên, nâng đỡ niệu đạo, khâu lại thành trước âm đạo bằng ba mối chỉ tự tiêu.
Khi người bệnh hoạt động gắng sức, tăng áp lực ổ bụng và bàng quang, dải băng hỗ trợ nâng nỡ các vòng cơ sàn chậu đã yếu, không cho bàng quang sa xuống, nước tiểu không bị rỉ ra ngoài. Người bệnh ăn uống, ngồi dậy vào ngày đầu tiên sau phẫu thuật. Sau hai ngày, người bệnh được rút thông tiểu, xuất viện, triệu chứng bệnh cải thiện rõ.
Sau khi đặt lưới nâng bàng quang, bác sĩ hướng dẫn các bài tập phù hợp cho bệnh nhân nhằm duy trì cơ sàn chậu săn chắc. Do phẫu thuật vùng kín, người bệnh cần vệ sinh sạch sẽ, kiêng quan hệ tình dục ở tháng đầu tiên. Chế độ ăn uống nên đảm bảo dinh dưỡng giúp nâng cao thể chất, tránh các đồ kích thích bàng quang, lợi tiểu như bia rượu, caffein, nước có ga, thức ăn nhiều gia vị... nhằm cải thiện sức khỏe.
Theo phó giáo sư Hinh, bệnh són tiểu khi gắng sức hay hội chứng yếu các cơ sàn chậu gồm nhiều yếu tố nguy cơ. Trong đó, phụ nữ sau sinh có yếu tố nguy cơ cao liên quan đến sinh nở và mãn kinh. Trong quá trình mang thai, thai nhi đè lên bàng quang và khung xương chậu trong thời gian dài khiến mẹ bầu đi vệ sinh nhiều lần, gây rối loạn chức năng bàng quang và dây thần kinh hệ tiết niệu. Phụ nữ đã sinh con nhiều lần, nhất là đẻ thường dễ bị són tiểu do trong quá trình sinh con to, nặng cân, rặn quá mạnh kéo dài khiến tổn thương cơ, mô và dây thần kinh kiểm soát bàng quang.
Người sinh nở bị rách tầng sinh môn nhiều hay cắt mổ tử cung, mổ sa sinh dục từ trước cũng có thể bị són tiểu. Các tạng vùng chậu có xu hướng sa xuống dưới như bàng quang sa xuống dưới khớp mu, tử cung sa xuống, sa ra ngoài âm đạo dẫn tới tình trạng tiểu không tự chủ. Một số trường hợp thai phụ sinh mổ, sử dụng gây tê ngoài màng cứng cũng là một trong những nguyên nhân khiến hệ thần kinh tê buốt trong một thời gian, gây một số phản ứng bất thường cho cơ thể, trong đó có tiểu són.
Són tiểu thường gặp ở nữ giới độ tuổi trung niên, sau mãn kinh do nồng độ estrogen, một loại hormone giữ cho mô, niêm mạc bàng quang và niệu đạo khỏe mạnh bắt đầu suy giảm. Tình trạng són tiểu có thể gặp ở người bệnh béo phì, cao huyết áp, đái tháo đường, nhiễm trùng tiểu... Các bệnh lý này làm cho sức cơ sàn chậu yếu, không đủ sức căng để nâng đỡ các tạng vùng chậu, trong đó có bàng quang. Ngoài ra, tình trạng táo bón kéo dài cũng có thể gây són tiểu. Nguyên nhân do chế độ sinh hoạt không điều độ như uống cà phê, lạm dụng rượu bia, hút thuốc lá cũng dễ dẫn đến bệnh són tiểu...
Ngoài tuổi tác và mang thai, sinh con, các yếu tố nguy cơ khác khiến phụ nữ mắc bệnh són tiểu khi gắng sức như tổn thương hệ thần kinh (tiền sử đột quỵ, Parkinson, Alzheimer, chấn thương cột sống), nhiễm khuẩn đường tiết niệu, mắc bệnh mạn tính (đái đường, cao huyết áp), chấn thương vùng chậu, thừa cân, béo phì, mãn kinh. Bệnh bàng quang tăng hoạt, táo bón kéo dài, sinh hoạt không điều độ, lạm dụng rượu bia, hút thuốc lá cũng dễ dẫn đến bệnh són tiểu......
Phó giáo sư Hinh khuyến cáo người có nguy cơ trên hoặc vô tình phát hiện són tiểu khi thay đổi tư thế, vận động mạnh nên theo dõi và khám sớm. Bệnh són tiểu nếu không được khám, điều trị đúng có thể gây nhiều biến chứng ảnh hưởng đến sức khỏe như gây viêm lở loét da, niêm mạc vùng âm hộ âm đạo và vùng tầng sinh môn; nhiễm trùng đường tiết niệu lặp lại nhiều lần.