Sỏi tiết niệu và 4 nguyên nhân phổ biến
Sự gia tăng bài tiết các chất hòa tan vào nước tiểu, mảng canxi hóa và tắc nghẽn đường tiết niệu tạo điều kiện hình thành sỏi tiết niệu.
Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi TS.BS Trà Anh Duy, Trung tâm Sức khỏe Nam giới Men's Health.
Sỏi tiết niệu là những viên sỏi được hình thành do sự kết tinh tự nhiên của các tinh thể vô cơ trong nước tiểu. Sỏi xuất hiện chủ yếu ở thận, sau đó có thể di chuyển xuống niệu quản hoặc bàng quang và gây tắc nghẽn hay được tống xuất ra ngoài qua niệu đạo, do đó còn được gọi là sỏi thận.
Phân loại
Theo thành phần hóa học, sỏi tiết niệu gồm sỏi canxi, sỏi magnesium ammonium phosphate, sỏi cystine, sỏi urate.
Sỏi tiết niệu còn được phân loại trên khám lâm sàng, do bác sĩ chỉ định phương pháp phù hợp theo vị trí sỏi, bao gồm sỏi trong thận, sỏi niệu quản, sỏi bàng quang và sỏi niệu đạo.
Nguyên nhân
Quá trình hình thành sỏi khá phức tạp, hiện nay chưa có một lý thuyết thống nhất rõ ràng về nguyên nhân gây ra. Các nguyên nhân phổ biến như:
Sự gia tăng bài tiết các chất hòa tan vào nước tiểu
Tăng bài tiết canxi
Khi hàm lượng canxi trong nước tiểu vượt ngưỡng 100-175 mg/ngày sẽ tăng nguy cơ sỏi tiết niệu.
Dùng quá nhiều thức ăn có chứa canxi như sữa, bơ, phomat...
Dùng nhiều vitamin D làm tăng hấp thụ canxi ruột.
Người bệnh nằm bất động lâu gây lắng cặn canxi.
Những bệnh lý ảnh hưởng đến chuyển hóa canxi như cường tuyến cận giáp, ung thư di căn xương và tủy xương...
Tăng bài tiết oxalate
Có thể do dùng nhiều thức ăn có chứa oxalate như rau chân vịt, đậu bắp, củ dền, cải xoăn, cần tây, sữa đậu nành...
Tuy nhiên, nguyên nhân hàng đầu vẫn là do sự khiếm khuyết di truyền về quá trình chuyển hóa axit glyoxylic.
Tăng bài tiết cystine
Thường ít gặp và do rối loạn di truyền.
Tăng bài tiết axit uric
Do dùng quá nhiều đạm trong thức ăn như thịt, hải sản, gia cầm...
Sự thay đổi về tính chất vật lý của nước tiểu
Khi người bệnh làm các công việc nặng nhọc, uống ít nước hoặc thời tiết nóng bức gây mất nước, lưu lượng nước tiểu sẽ giảm làm cho nồng độ muối và các chất hữu cơ tăng lên trong nước tiểu, gây nguy cơ tạo sỏi.
Khi có sự thay đổi nồng độ pH của nước tiểu do thức ăn, nước uống hoặc thuốc thì một số muối vô cơ sẽ khó hòa tan trong môi trường kiềm gây lắng đọng tạo sỏi.
Các mảng canxi hóa
Các mảng canxi hóa thường gặp ở vùng nhú thận, khi có điều kiện phù hợp thì có thể tạo nhân giúp các chất không hòa tan của nước tiểu bám dính vào, tạo ra sỏi thận.
Ngoài ra xác vi khuẩn, xác tế bào thượng bì thận, huyết khối cũng có thể tạo nhân sinh sỏi.
Tắc nghẽn đường tiết niệu
Khi có sự tắc nghẽn dòng nước tiểu bẩm sinh hay mắc phải, sẽ gây sự tồn đọng nước tiểu, tạo điều kiện cho các chất lắng đọng tạo thành sỏi.
Khi sỏi không di chuyển, không gây bế tắc thì thường ít gây ra triệu chứng mặc dù bệnh nhân có thể có tình trạng nhiễm trùng nước tiểu kèm theo.
Khi sỏi đã gây bế tắc sẽ dẫn đến các triệu chứng như cơn đau quặn từng cơn vùng bụng hoặc hông lưng, còn được gọi là cơn đau quặn thận, cường độ đau rất dữ dội; tiểu máu; tiểu ra mủ đục hoặc nước tiểu hôi; nước tiểu ít hoặc không có nước tiểu; tiểu rát buốt, tiểu rắt; các triệu chứng toàn thân như: sốt cao, lạnh run, buồn nôn...
Triệu chứng
Sờ thấy chướng bụng, ấn đau vùng hông lưng có sỏi, nghiệm pháp rung thận dương tính, nghiệm pháp chạm thận dương tính nếu có ứ nước nhiều ở thận. Trường hợp thận nhiễm trùng nặng, ứ mủ có thể có phản ứng thành bụng.
Một số trường hợp bệnh nhân có tình trạng "sỏi im lặng". Viên sỏi đã hình thành từ lâu và gây tắc đài bể thận mà không có triệu chứng, gây nên tâm lý chủ quan của người bệnh. Khi phát hiện thường đã có biến chứng nặng gây nhiễm trùng, tổn thương thận nặng không hồi phục, có thể phải phẫu thuật cắt bỏ thận.
Điều trị
Hiện nay, điều trị sỏi tiết niệu được kết hợp giữa nội khoa và ngoại khoa.
Điều trị nội khoa được áp dụng trong các trường hợp sỏi kích thước nhỏ (<5 mm), không có biến chứng nhiễm trùng ngược dòng, không gây đau hoặc bế tắc đường tiết niệu. Người bệnh nên uống nhiều nước (>2 lít một ngày), kết hợp với các thuốc giãn cơ trơn đường tiểu, kháng viêm, lợi tiểu để tống xuất sỏi ra ngoài cơ thể.
Điều trị ngoại khoa gồm nhiều phương pháp như tán sỏi ngoài cơ thể (ESWL), nội soi tán sỏi ngược dòng bằng laser, lấy sỏi thận qua đường hầm da (PCNL), phẫu thuật nội soi hông lưng lấy sỏi hoặc mổ hở phù hợp với vị trí sỏi nhất định trên cơ thể bệnh nhân. Phẫu thuật viên sẽ dựa vào các kết quả cận lâm sàng, vị trí và kích thước sỏi để đưa ra phương pháp ít xâm lấn và an toàn nhất cho người bệnh trong quá trình lấy sỏi.
Phòng ngừa
Ngăn ngừa và điều trị dứt điểm các trường hợp nhiễm trùng đường tiết niệu.
Không nhịn tiểu trong khi sinh hoạt và làm việc.
Uống đủ nước mỗi ngày (>2 lít một ngày).
Vận động, thể dục thể thao lành mạnh và điều độ.
Tránh ăn nhiều muối, hạn chế ăn quá nhiều đạm động vật.
Đây là một bệnh lý hay gặp, có thể tái phát ở những bệnh nhân đã có sỏi trước đó. Do vậy, những bệnh nhân đã có tiền căn sỏi nên khám và theo dõi định kỳ để phát hiện sớm sỏi.