Sang chấn tâm lý ở trẻ
Sang chấn tâm lý là một sự kiện nặng nề đe dọa đến sức khỏe, sự an toàn, an ninh của cá nhân và không thể xử lý được về mặt cảm xúc và nhận thức.
Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Thạc sĩ Vương Nguyễn Toàn Thiện, Giám đốc chuyên môn Trung tâm tham vấn và trị liệu tâm lý Lumos.
Đặc điểm
Sang chấn mang một trong hai đặc điểm sau:
- Mang tính kinh khủng, dữ dội, để lại một hậu quả tệ hại về mặt vật chất hoặc tinh thần.
- Mang tính phơi nhiễm.
Nguyên nhân
- Nguyên nhân dẫn đến sang chấn tâm lý có thể rất đa dạng như:
Bạo lực và lạm dụng (về thể chất, tình dục, tinh thần, quan sát bạo lực diễn ra trong gia đình...).
Mất mát và sự ra đi của người thân.
Tai nạn hoặc chấn thương thể lý.
Những tình huống thảm họa hoặc tình huống khẩn cấp (thiên tai, đại dịch, sự thay đổi môi trường đột ngột); thiếu thốn về môi trường sống.
- Nhìn chung, lý do gây sang chấn là khi một người trải nghiệm, quan sát hoặc nghe kể về một sự kiện nặng nề và mang tính kinh khủng, dữ dội, để lại một hậu quả tệ hại về mặt vật chất hoặc tinh thần, có tính phơi nhiễm.
Ảnh hưởng
- Ở trẻ nhỏ:
Sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển của não bộ.
Nhạy cảm quá mức, dễ lo âu, khó kiểm soát cảm xúc hay tập trung và ghi nhớ.
Trẻ có thể chơi đùa và lặp đi lặp lại việc gây tổn thương, mất khả năng tập trung và kết quả học tập kém hơn.
Trẻ thường sẽ có những nỗi sợ hãi tổng quát, ác mộng, kích động và lú lẫn cao độ, có những triệu chứng về thể chất, hành vi hung hăng và tức giận;
Lúc này, trẻ sẽ định hình thế giới quan tiêu cực về thế giới, khó có thể xác định và bộc lộ cảm xúc, dẫn đến vấn đề về hành vi.
Sang chấn làm trẻ nhỏ có xu hướng phụ thuộc vào người chăm sóc và từ chối tiếp xúc thế giới bên ngoài, hoặc cảm giác bản thân không an toàn và không xứng đáng được yêu thương.
- Ở độ tuổi vị thành niên:
Trẻ thường cho thấy biểu hiện của trầm cảm và rút lui xã hội.
Nổi loạn và gia tăng các hoạt động rủi ro như hành vi tình dục, nghiện chất, có mong muốn trả thù.
Có những khó khăn, rối loạn giấc ngủ và ăn uống.
Điều trị
Về chữa lành và điều trị, mỗi cá nhân đều nỗ lực ứng phó với những hậu quả của sang chấn tâm lý. Có thể hiểu, những phản ứng với sang chấn dù nghiêm trọng cũng là những nỗ lực - là cách cá nhân tự quản lý sang chấn.
Bên cạnh đó, ở tất cả mức độ từ nhẹ đến nặng, sang chấn tâm lý cần sự hỗ trợ chuyên môn từ các bác sĩ chuyên khoa (có thể sử dụng thuốc trong một số trường hợp nghiêm trọng), nhà tâm lý lâm sàng, nhà trị liệu tâm lý, cùng với sự hỗ trợ từ nguồn lực gia đình, bạn bè và xã hội.
Phòng ngừa
Để ngăn ngừa sang chấn tâm lý ở trẻ, cần sự hỗ trợ từ phụ huynh đến nhà trường và xã hội:
- Đầu tiên cần giáo dục và tăng cường nhận thức cho phụ huynh, người chăm sóc về các dấu hiệu sang chấn tâm lý, cách tạo môi trường an toàn cho trẻ.
- Tạo lập môi trường an toàn tại nhà, trường học để đảm bảo rằng trẻ em được bảo vệ khỏi bạo lực và lạm dụng tại nhà, nơi học tập với sự đẩy mạnh của các chính sách an sinh xã hội, tuyên truyền cộng đồng.
- Bên cạnh đó, phụ huynh có thể tìm hiểu và giáo dục sớm cho con những kỹ năng cần thiết để tự bảo vệ bản thân trong khả năng, cách nhận diện cũng như tìm kiếm sự hỗ trợ từ những người xung quanh.
- Đặc biệt, cần lắng nghe, chia sẻ và tạo cho con trẻ cảm giác an toàn để con sẵn sàng chia sẻ câu chuyện, khó khăn gặp phải trong cuộc sống.