Sai lầm giảm cân khiến trẻ càng béo phì
TP HCMChị Hương chi hàng chục triệu đồng thuê PT (huấn luyện viên), ép trẻ ăn theo chế độ khắc nghiệt, khiến bé mệt mỏi, thèm ăn nhiều hơn, dẫn đến tăng cân trở lại.
Hai con của chị Hương, ở quận Phú Nhuận, đều được bác sĩ dinh dưỡng chẩn đoán béo phì, khi chỉ số cơ thể (BMI) đều vượt chuẩn so với lứa tuổi. Bị gia đình và hàng xóm chê "không biết nuôi", "trẻ béo phì sinh bệnh", chị lo lắng tìm mọi cách giảm cân cho con.
Thấy con tham gia các câu lạc bộ thể chất tại trường không hiệu quả, chị mua cho bé lớn 13 tuổi, gói tập gym 36 buổi, giá 600.000 đồng một buổi. Kèm theo là chế độ ăn kiêng do huấn luyện viên giám sát, chỉ gồm thịt, rau, hạn chế tối đa tinh bột. Tuy nhiên, việc hoạt động thể chất nặng, trong khi khẩu phần ăn bị giảm, khiến bé luôn mệt mỏi, khó tập trung, thi thoảng đợi bố mẹ đi ngủ rồi thức dậy ăn lén.
Thấy không hiệu quả, chị tự ý mua sản phẩm giảm cân trên mạng. Tuy nhiên, dùng được một tuần thì trẻ liên tục đi ngoài, đau mỏi cơ thể, phải nhập viện với chẩn đoán rối loạn tiêu hóa.
Tương tự, Mai, 9 tuổi, nặng 52 kg, thường xuyên bị bạn bè trêu trọc, gọi là "Mai ú". Thấy con kể bị bạn xa lánh, miệt thị ngoại hình, chị Lan ấm ức phản ánh lên nhà trường nhưng kết quả không cải thiện. Cô bé có chiều cao trung bình nhưng vì béo phì nên được chẩn đoán tăng nguy cơ dậy thì sớm, có thể ảnh hưởng tốc độ tăng chiều cao .
Mỗi tuần, chị Lan cố gắng cùng con đi bơi, thuê PT thiết lập kế hoạch thay đổi vóc dáng, ép con ăn kiêng theo nhiều chế độ, chủ yếu là cắt giảm tinh bột. Mai luôn trong tình trạng đói và thèm đồ ăn vặt, đặc biệt là thức ăn nhanh. Cô bé trốn mẹ ăn ở trường cùng bạn bè hoặc đòi ông bà, khiến cân nặng ngày càng tăng. Mẹ bất lực, đành đưa em đến khám tại Bệnh viện Nhi Đồng 2.
Bác sĩ Đoàn Thị Bảo Thúy, Khoa Dinh dưỡng, Bệnh viện Nhi Đồng 2, nhìn nhận trường hợp hai gia đình trên không hiếm. Mỗi ngày phòng khám dinh dưỡng của bệnh viện tiếp nhận khoảng 80-100 trẻ đến khám, trong đó có 10-15 ca thừa cân, béo phì. Bác sĩ Nguyễn Trọng Hưng, Viện Dinh dưỡng Quốc gia, cũng tiếp nhận nhiều trẻ béo phì đến khám, hiện tại chưa có số liệu chính xác nhưng qua theo dõi, trực tiếp khám, bác sĩ nhận thấy nhóm này ngày càng tăng.
Các chuyên gia cho biết nhiều phụ huynh không biết cách giảm cân cho con, thường áp dụng cho trẻ những phương pháp của người lớn, như cắt giảm khẩu phần ăn, sữa, tập luyện quá sức... dẫn tới trẻ càng ngày càng béo. Thực tế, nhịn ăn hay tập luyện quá sức khiến trẻ kiệt sức, ảnh hưởng sức khỏe và có xu hướng ăn nhiều vào bữa tiếp theo. Chưa kể khi đói và mệt mỏi, bé còn giảm khả năng học tập, rối loạn chuyển hóa.
Mặt khác, phụ huynh thường khuyến khích trẻ hạn chế tinh bột, ăn nhiều thịt để giảm cân, hoặc không ăn thịt, chỉ ăn cơm và rau (chế độ ăn nghèo đạm). Thực tế, trẻ đang tăng trưởng và phát triển nên rất nhạy cảm với sự thiếu hụt các chất dinh dưỡng như các vitamin và muối khoáng, đặc biệt chất đạm, canxi, vitamin D. Nếu quá đói hoặc thiếu chất, trẻ sẽ ăn nhiều các bữa sau sẽ gây tích lũy mỡ nhanh hơn. Vì vậy, thực phẩm vào trong cơ thể cần đa dạng, đủ chất bao gồm chất đạm, chất béo, tinh bột.
Đối với béo phì ở trẻ em, có hai nhóm nguyên nhân chính là béo phì do dinh dưỡng và béo phì bệnh lý (ít gặp hơn). "Cần phân biệt con bạn ở nhóm nào để có hướng điều trị giảm cân phù hợp", bác sĩ cho hay.
Cơ thể trẻ em đang phát triển, điều trị béo phì không đặt ra vấn đề giảm cân mà là giảm tốc độ tăng cân, đảm bảo sự phát triển chiều cao. Trẻ béo phì nặng hoặc có biến chứng, cần giảm cân nhưng không được giảm quá 500 g/tuần.
"Quan trọng nhất là điều chỉnh chế độ ăn, nhằm giảm năng lượng nạp vào (calo-in), phối hợp nhiều loại thức ăn trong một bữa nhưng phải đủ các chất dinh dưỡng", bác sĩ nói.
Theo đó, trẻ phải uống đủ nước, sữa và các chế phẩm từ sữa theo khuyến cáo từng độ tuổi, ăn đủ rau, trái cây, ngũ cốc nguyên hạt; hạn chế món chiên xào, đường. Bổ sung nhóm thực phẩm tạo cho con cảm giác no bụng được lâu như trứng, bơ, sữa ít béo, khoai tây, thực phẩm giàu chất xơ...
Lưu ý nên ăn đều đặn các bữa, không để trẻ quá đói. Khuyến khích con nhai kỹ, bởi việc ăn chậm giúp cảm nhận được cơ thể no và sẽ ngừng ăn khi no. Nếu ăn quá nhanh thì sẽ tiêu thụ thực phẩm nhiều hơn nhu cầu cần thiết.
Dành thời gian hoạt động thể lực nhằm tăng năng lượng tiêu hao (calo-out). Cha mẹ nên tạo điều kiện cho trẻ nhảy dây, đá bóng, cầu lông, bơi lội, đi bộ, leo cầu thang; khuyến khích trẻ đi bộ hoặc đi xe đạp đến trường thay vì đưa đón; hoặc cho trẻ làm việc nhà như dọn dẹp, lau chùi nhà cửa, theo bác sĩ Thúy.
Lịch sinh hoạt của con cũng cần được điều chỉnh hợp lý, để trẻ tránh thức khuya hoặc xem TV, điện thoại nhiều dẫn đến các trường hợp rảnh tay ăn vặt thêm khi sử dụng thiết bị điện tử.
"Giảm cân ở trẻ em là một cuộc chiến cần sự kiên trì của cả gia đình", chuyên gia nói.