Rượu bia, thuốc lá thúc đẩy ung thư gan ở người trẻ
Ung thư gan có tỷ lệ tử vong lớn, những năm gần đây lượng người trẻ mắc bệnh tăng cao bởi thói quen sinh hoạt thiếu lành mạnh, đặc biệt là thuốc lá và rượu bia.
"Đa số bệnh nhân u gan đến viện khám khi đã ở giai đoạn muộn, quá giai đoạn can thiệp đốt bằng sóng cao tần (RFA) hoặc phẫu thuật cắt gan", Ths.BS Nguyễn Văn Định, Bệnh viện Hoàn Mỹ Sài Gòn, nói tại hội nghị khoa học, ngày 26/10.
Bệnh thường có xu hướng phát triển âm thầm, thường khó phát hiện trong những giai đoạn đầu bởi các dấu hiệu mờ nhạt và thường dễ nhầm với các bệnh lý tiêu hóa. Trong khi đó, giai đoạn sớm lại chính là "thời điểm vàng" để trị bệnh. Ung thư gan phát hiện càng sớm thì tỷ lệ điều trị thành công càng cao.
Phát hiện muộn sẽ khiến việc điều trị trở nên rất khó khăn, tiên lượng xấu. Điều này góp phần khiến ung thư gan đứng hai về số ca mắc mới tại Việt Nam nhưng dẫn đầu về số người tử vong hàng năm.
Một số dấu hiệu của ung thư gan cần lưu ý là sụt cân nhanh, không rõ lý do, mệt mỏi, chán ăn, không có cảm giác ăn ngon, rối loạn tiêu hóa, vàng mắt, vàng da, nước tiểu đậm màu, đau âm ỉ vùng hạ sườn phải, căng tức vùng thượng vị, ngứa...
Theo bác sĩ Định, ung thư gan đang có dấu hiệu trẻ hóa với số lượng người trẻ mắc bệnh ngày càng tăng. Không ít người mắc bệnh do thói quen sinh hoạt thiếu lành mạnh, đặc biệt là hút thuốc lá và uống nhiều rượu bia kéo dài. Bên cạnh đó, những yếu tố nguy cơ hàng đầu của ung thư gan là xơ gan, viêm gan siêu vi B, viêm gan siêu vi C... Tiếp xúc hóa chất độc hại, ăn nhiều thức ăn dầu mỡ, thực phẩm chế biến sẵn, tiêu thụ nấm aflatoxin trong ngũ cốc mốc, ô nhiễm môi trường, ít vận động... cũng góp phần tăng nguy cơ ung thư gan.
Việc điều trị ung thư gan hiện nay thường được kết hợp đa mô thức, phối hợp đa chuyên khoa như phẫu thuật, hóa trị, xạ trị, chẩn đoán hình ảnh... để tìm được phương án điều trị tối ưu cho người bệnh. Phương án điều trị sẽ được cá thể hóa, tùy thuộc vào đặc điểm của từng bệnh nhân như giai đoạn bệnh, thể trạng của người bệnh, các bệnh lý mạn tính kèm theo có ảnh hưởng đến quá trình điều trị. Điều này giúp nâng cao hiệu quả điều trị và tối ưu hóa chất lượng cuộc sống cho người bệnh.
Hầu hết bệnh gan mạn tính có khả năng tiến triển thành xơ gan đều có nguy cơ dẫn đến ung thư gan. Do đó, có thể giảm nguy cơ mắc ung thư gan bằng cách ngăn ngừa xơ gan, với các biện pháp như tiêu thụ đồ uống có cồn ở mức độ vừa phải, không hút thuốc lá. Thực hiện chế độ ăn uống khoa học và tập luyện thể dục thể thao thường xuyên để phòng ngừa tình trạng thừa cân.
Tiêm phòng viêm gan B là một trong những biện pháp cần thiết để phòng ngừa ung thư gan. Tránh bị nhiễm bệnh viêm gan C. Quan hệ tình dục an toàn, cẩn trọng trong các trường hợp có thể tiếp xúc với máu.