logo

 Hotline:24/7(Zalo call): 036 385 7742(Mr Hải) 

1-0x400 2-0x400 4-0x400 5-0x400 11 2 3-0x400 4 5
Trang chủ»Tin tức»Rước họa do làm theo hướng dẫn trên TikTok

Rước họa do làm theo hướng dẫn trên TikTok

Rước họa do làm theo hướng dẫn trên TikTok
TP HCMXem TikTok, Hoa 26 tuổi, làm theo hướng dẫn dùng kem đánh răng trị mụn khiến mặt bị kích ứng, tấy đỏ, viêm nhiễm.

Hoa bị mụn từ tuổi dậy thì, điều trị bằng thuốc không bớt. Cô từng nghĩ phải sống chung với mụn cả đời. Gần đây Hoa xem TikTok, theo dõi video của một người tự xưng là bác sĩ hướng dẫn chữa mụn bằng kem đánh răng. "Kem đánh răng có tinh dầu bạc hà tạo cảm giác the mát, giúp khô và giảm sưng mụn", Hoa kể "bác sĩ" giải thích như vậy và liệt kê nhiều thành phần trong kem đánh răng như baking soda, hydroperoxide giúp thu nhỏ mụn viêm. Cô tìm kiếm và thấy nhiều video tương tự, khẳng định "thoa kem đánh răng có thể đánh bay mụn viêm".

"Tôi như bị thao túng tâm lý, mua ngay một tuýp kem có tinh chất bạc hà về dùng thử", Hoa nói. Sau một đêm, mụn không biến mất mà tấy đỏ, sưng to, kích ứng toàn mặt nên vào viện khám.

Cuối tháng 4, bác sĩ Lê Vi Anh, Khoa Da liễu - Thẩm mỹ Da, Bệnh viện Đại học Y Dược TP HCM, cho biết bệnh nhân bị viêm da kích ứng, nhiễm trùng, sưng tấy nặng nề do thoa kem đánh răng lên tổn thương hở. Kem đánh răng có hoạt chất tiêu viêm, song hàm lượng rất cao dẫn đến bong tróc, dị ứng, phá vỡ kết cấu làn da. Bệnh nhân bị mụn lâu năm, nền da không khỏe, nay chịu kích ứng nặng, có nguy cơ sẹo rỗ cao.

Theo bác sĩ, thông tin thoa kem đánh răng lên nốt mụn tràn lan trên mạng xã hội, đặc biệt là TikTok. Ngoài chữa mụn, nhiều người mách nhau dùng kem đánh răng chữa xuất tinh sớm, thoa axit để xóa xăm gây tổn thương nghiêm trọng, bệnh nhân mất thời gian dài để xử lý hậu quả.

Như chị Ngân, 28 tuổi, chi khoảng 4 triệu đồng mua mỹ phẩm qua mạng. Chị kể, trên TikTok có nhiều hướng dẫn chăm sóc da bằng sản phẩm đặc trị chứa BHA, AHA, retinol, arbutin, hay tranexamic axit để loại bỏ tế bào chết, khôi phục làn da. Chị đặt mua 4 sản phẩm thông qua livestream (phát sóng trực tiếp), mục đích mua nhiều để có mã giảm. Người bán tư vấn dùng sản phẩm cách ngày mới hiệu quả, ví dụ thoa retinol vào thứ 2 - 4 - 6, ngày còn lại thoa kem phục hồi. Sau một tháng sử dụng, làn da chị bị đầy mụn, nhất là vùng khóe mũi, hai bên má.

Chị Mai, 45 tuổi, bị viêm khớp, mua liệu trình thuốc giới thiệu trên mạng để điều trị. Sau một thời gian, chị đau bụng khó chịu, đau dạ dày phải đi cấp cứu. Bác sĩ cho biết thuốc chị đang dùng không dành cho người đau dạ dày, song không được người bán tư vấn cụ thể.

"Đây là chiêu trò để bán được nhiều sản phẩm, kinh doanh lấy lời rất phổ biến trên mạng", bác sĩ Vi Anh nói.

Trường hợp khác, nữ, 40 tuổi, mắc ung thư vú nhưng không tuân thủ điều trị mà nghe theo hướng dẫn của "bác sĩ" TikTok, cuối cùng nhập viện trong tình trạng trầm trọng. Tiếp nhận ca bệnh, bác sĩ Ngô Văn Tỵ, Khoa Ung bướu, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, cho biết bệnh nhân nhịn ăn, uống lá đu đủ và nước măng tây để "tiêu khối u". Hai tháng sau, khối u vỡ, loét, chảy dịch, người bệnh mới đi viện. Lúc này, bác sĩ chỉ chăm sóc, vệ sinh khối u, không thể can thiệp điều trị chuyên sâu.
Gần đây, trên các nền tảng mạng xã hội tràn ngập video chia sẻ bí quyết chăm sóc sức khỏe dưới dạng video ngắn, nổi bật nhất là TikTok. Ngoài tin tức tích cực, nhiều video cung cấp thông tin "dởm", chưa được kiểm chứng, không mất phí. Nhiều người mặc áo blouse, tự xưng mình là bác sĩ, hướng dẫn các cách "chữa bệnh" nhưng không có bằng chứng hay nghiên cứu khoa học, gây tâm lý hoang mang cho người xem. Ví dụ, chữa bệnh ung thư bằng nhịn ăn, nhiệt miệng là do béo, tập gym không được uống nước lọc, chích lể 10 đầu ngón tay chữa đột quỵ.

"Vấn đề này không mới, về mặt tâm lý, khi có bệnh mọi người chủ động tìm kiếm thông tin và bắt bệnh 'online'", bác sĩ Vi Anh nói.

Hiện, Việt Nam chưa có thống kê tỷ lệ bệnh nhân nhập viện do tin "bác sĩ" mạng, song bác sĩ ghi nhận nhiều người thực hiện theo các phương pháp truyền miệng gây hậu quả nghiêm trọng nên nhập viện. Lúc này, việc điều trị gần như không còn hiệu quả.

Theo bác sĩ Anh, trước đây, mọi người tìm kiếm thông tin trên Google. Ngày nay TikTok phổ biến hơn, thông tin truyền tải qua video ngắn, theo kiểu 'mì ăn liền' nên rất dễ tìm kiếm, dễ ghi nhớ, hình thức thể hiện đa dạng". Tâm lý người xem đều muốn nhìn thấy hiệu quả, nên rất dễ tin tưởng khi xem vieo có thay đổi trước và sau.

Thông tin trên trang TikTok chưa có kiểm soát, nhiều video không được kiểm chứng, như "con dao hai lưỡi" với sức khỏe. Tâm lý ngại đi khám, tiếc tiền cũng là lý do nhiều người khám online, nguy cơ mất đi cơ hội chữa bệnh ở thời điểm vàng.

"Bác sĩ trực tiếp khám, kê đơn cũng phải rất thận trọng trong chỉ định, tùy thuộc vào bệnh nền, tiền sử dị ứng mỗi bệnh nhân", bác sĩ nói. Đơn cử, mụn trứng cá nhẹ có thể sử dụng các loại thuốc thoa tại chỗ giúp giảm nhờn, thông thoáng lỗ chân lông và giảm viêm. Trường hợp nặng, người bệnh cần phối hợp theo thuốc uống theo chỉ định của bác sĩ. Tuyệt đối không tự ý nặn mụn hay thoa hoạt chất lạ khiến tăng viêm nhiễm và lây lan vi khuẩn làm mụn nặng hơn và để lại sẹo khó điều trị.

Theo bác sĩ Tỵ, "khám" theo TikTok dễ đưa đến những chẩn đoán đáng sợ, dù chỉ có triệu chứng nhỏ. Người bệnh bị ám thị, cảm thấy lo lắng bất an, tin rằng mình bị bệnh dù sức khỏe vẫn bình thường. Ví dụ, ho nhiều có thể bị viêm phổi, tức ngực lâu ngày cảnh báo ung thư, đau đầu là dấu hiệu u não. Điều này khiến người bệnh lo lắng, stress, trì hoãn đi khám vì sợ. Xem thông tin sức khỏe có nhiều ý kiến đối lập càng khiến hoang mang hơn. "Lúc này, người bệnh dễ mềm lòng, tin theo các phương pháp phản khoa học như uống nước lá đu đủ chữa ung thư, nhịn ăn thịt đỏ để khối u không phát triển", bác sĩ nói.

Tin theo bác sĩ mạng cũng khiến bệnh nhẹ trở thành nặng vì không được chữa trị đúng cách. Sốt, lạnh run, sổ mũi, bệnh nhân thường nghĩ đến cúm thông thường và tự mua thuốc uống, nhưng cũng có thể cảnh báo bệnh truyền nhiễm nguy hiểm. "Một đơn thuốc chỉ dành cho một cá nhân, trong một thời điểm cụ thể, tuyệt đối không tự ý mua và tự kê cho mình", bác sĩ cảnh báo.
Bác sĩ cũng không phủ nhận lợi ích nhất định khi tham khảo thông tin trên TikTok, tuy nhiên phải biết chọn lọc và tỉnh táo, không nên tin những người tự xưng là bác sĩ trên mạng. "Nhiệm vụ chính của bác sĩ là chữa bệnh, việc chia sẻ thông tin trên mạng thường vào lúc rảnh, không hù dọa hay kinh doanh trên sức khỏe người bệnh", bác sĩ Tỵ nói, thêm rằng đây là điểm khác biệt của bác sĩ thật với "bác sĩ" mạng.

Bác sĩ khuyên nên biết cách tìm thông tin về sức khỏe trên mạng. Một cách chọn lọc trang tin cậy là căn cứ vào tên miền. Trên Google, bạn có thể tham khảo tên miền của website có đuôi là .gov hoặc .org hoặc .state. Trên TikTok, bạn tìm kiếm tài khoản có tích xanh. Ngoài ra, bạn có thể tìm kiếm thông tin từ những nguồn khác như người thân, bác sĩ thật, trước khi làm theo. Không nên dành quá nhiều thời gian "cày xới" thông tin trên mạng mà nên đến viện điều trị đúng bệnh trong thời gian vàng.

Liên hệ

Địa Chỉ công ty Tại Bhutan: Norzin Lam 676, Thimphu, Bhutan

Đại diện tại Hà Nội: 61 Văn Chương, Đống Đa, Hà Nội
Hotlines 24/7: 0363857742 (Viber và Zalo)
Email: dongtrunghathaobhutan123@gmail.com
Website: https://dongtrunghathaothiennhienbhutan.com

Bản đồ

Thiết Kế Bởi Công Ty Web Hoàng Gia Bhutan

 
 

scoped="scoped" type="text/css">>