Rách bao cao su khi quan hệ có gây nhiễm HPV?
Nếu bị rách bao cao su khi đang quan hệ tình dục và chưa tiêm vaccine thì có nguy cơ nhiễm HPV không, cần làm gì lúc này? (Xuân Nghĩa 25 tuổi, Nam Định)
Trả lời:
Mang bao cao su là biện pháp phòng ngừa các bệnh lây truyền qua đường tình dục nhưng không bảo vệ 100%. Virus HPV vẫn có thể lây nhiễm vào cơ thể thông qua tiếp xúc da kề da ở bề mặt không được bao cao su bao phủ. Mặt khác, việc đeo bao không đúng cách hoặc bao bị thủng, rách, tuột trong quá trình quan hệ cũng có thể làm tăng nguy cơ lây nhiễm bệnh.
Ngoài ra, HPV có thể lây qua đường quan hệ tình dục miệng, hậu môn và tiếp xúc với các vật dụng cá nhân dính chất tiết chứa virus của người bệnh.
Người quan hệ tình dục đều có thể nhiễm HPV, dù chỉ có một bạn tình. Theo HCDC, có 11-12% dân số thế giới, tương đương 700-800 triệu người đang nhiễm HPV ở cả nam và nữ giới. Ở Việt Nam, tỷ lệ nhiễm HPV vào khoảng 8-11% tùy vùng miền.
Hầu hết trường hợp nhiễm HPV không có triệu chứng và có thể tự đào thải virus sau khoảng thời gian 6-24 tháng. Tuy nhiên vẫn có tỷ lệ khoảng 20% virus không được đào thải. Virus phát triển thành mụn cóc sinh dục sau khoảng 6-10 tháng hoặc ung thư cổ tử cung, hậu môn, dương vật, âm đạo, âm hộ và hầu họng sau này. Bên cạnh đó, kháng thể có được từ lần nhiễm các chủng HPV đã được đào thải không tồn tại lâu dài nên vẫn có khả năng tái nhiễm trong tương lai.
Hiện chưa có biện pháp xét nghiệm sàng lọc nhiễm HPV ở nam giới. Do đó, bạn cần theo dõi sức khỏe, khám sức khỏe định kỳ để phát hiện sớm các dấu hiệu bệnh và kịp thời điều trị, ví dụ như bị sùi mào gà do nhiễm HPV. Bạn nên tiêm ngừa HPV để phòng bệnh sớm hoặc ngăn tái nhiễm nếu có.
Việt Nam có hai loại vaccine HPV. Gardasil phòng được 4 type HPV gồm 6, 11, 16, 18, chỉ định tiêm cho bé gái và phụ nữ trong độ tuổi 9-26. Vaccine Gardasil 9 phòng ngừa 9 type 6, 11, 16, 18, 31, 33, 45, 52 và 58, chỉ định tiêm cho nam và nữ trong độ tuổi 9-45, không phân biệt từng quan hệ tình dục hay chưa với hiệu quả bảo vệ đến trên 90%.