Polyp đại trực tràng có thể tiến triển ung thư?
Tôi đi khám phát hiện nhiều polyp đại tràng. Có phải tất cả polyp đều phát triển thành ung thư không? Làm thế nào để ngăn tình trạng này? (Hồng Thái, Bến Tre)
Trả lời:
Polyp đại tràng là các khối u ở lớp niêm mạc bên trong đại tràng hoặc trực tràng. Chúng có thể là một loại khối u, một cụm hoặc khối tế bào bất thường, có hình dạng và kích thước khác nhau. Poly thường gặp hơn ở tuổi trung niên.
Có hai loại polyp là polyp không tân sinh không trở thành ung thư và polyp tân sinh là loại tiền ung thư. Polyp không tân sinh bao gồm polyp tăng sản, polyp giả viêm, polyp hamartomas. Polyp tân sinh bao gồm các polyp tuyến (adenomas), tổn thương răng cưa không có cuống, u tuyến răng cưa truyền thống.
U tuyến hoặc polyp răng cưa không cuống là loại tân sinh, có thể trở thành ung thư nếu có đủ thời gian để phát triển. Khoảng 75% ung thư đại tràng bắt đầu từ polyp tuyến nếu không được xử lý. Người có nhiều polyp hoặc polyp lớn thì nguy cơ ung thư cao hơn. Người có nguy cơ mắc ung thư đại trực tràng cao hơn nếu có nhiều hơn ba polyp, polyp lớn hơn 10 mm, u tuyến nhung mao hoặc u tuyến ống nhung mao, tổn thương răng cưa không cuống hoặc u tuyến răng cưa, hội chứng polyp di truyền.
Một số yếu tố khác làm tăng nguy cơ ung thư đại tràng như tuổi tác, di truyền, tiền sử gia đình mắc ung thư ruột già hoặc polyp, môi trường sống, hút thuốc, uống nhiều rượu, chế độ ăn nhiều chất béo, thịt đỏ, đái tháo đường, viêm ruột...
Nội soi đại tràng thường được thực hiện gây mê, dùng ống mềm dài qua đường hậu môn vào trực tràng và đại tràng. Đây được xem là phương pháp tốt nhất giúp bác sĩ tìm kiếm chính xác vị trí polyp nếu có, từ đó cắt tách niêm mạc giúp loại bỏ polyp an toàn, ngăn ngừa ung thư hiệu quả.
Polyp thường không gây ra triệu chứng nên nhiều người dễ bỏ qua. Khi xuất hiện triệu chứng, đa phần polyp đã chuyển thành ung thư. Bạn có polyp nên khám sức khỏe định kỳ, nội soi giúp tầm soát ung thư giai đoạn sớm. Cắt bỏ polyp qua nội soi tiêu hóa là phương pháp ít xâm lấn, có thể giảm nguy cơ mắc ung thư khi phát hiện ở giai đoạn sớm.
Người có biểu hiện bất thường ở đường tiêu hóa như thay đổi thói quen đại tiện, có máu trong phân, tiêu chảy, táo bón, đau bụng, sụt cân không rõ nguyên nhân... cần đi khám để được chỉ định phương pháp chẩn đoán và điều trị phù hợp.