Phương pháp điều trị tàn nhang, nám má
Kết hợp thuốc thoa, thuốc uống, laser, peel da, tiêm meso có thể loại bỏ tàn nhang, nám má nhưng khó duy trì vĩnh viễn và vẫn có nguy cơ tái phát.
Tàn nhang và nám má là hai tình trạng tăng sắc tố trên da, khiến da không đều màu, mất thẩm mỹ. Có nhiều nguyên nhân gây ra như di truyền, ánh nắng mặt trời, thay đổi nội tiết tố, lão hóa da, lạm dụng mỹ phẩm không rõ nguồn gốc hoặc tác dụng phụ của một số loại thuốc. Một người có cả sạm nám và tàn nhang, có thể xuất hiện ở nhiều vị trí như mặt, cổ, vai, lưng, tay.
Theo BS.CKI Võ Thị Tường Duy, đơn vị Da liễu - Thẩm mỹ da, Phòng khám Đa khoa Tâm Anh quận 7, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, việc điều trị hết tình trạng tăng sắc tố da hay không phụ thuộc vào nhiều yếu tố như mức độ sạm nám, nguyên nhân, thói quen sinh hoạt, chất lượng nền da và phương pháp sử dụng...
Sạm nám, tàn nhang mới hình thành trong quá trình mang thai, hoặc do tác dụng phụ của thuốc có thể giảm dần và tự biến mất sau khi sinh con hoặc ngưng sử dụng thuốc. Tuy nhiên, trong một số trường hợp tàn nhang, nám má này không tự mờ theo thời gian thì cần can thiệp điều trị.
Phối hợp nhiều phương pháp từ thuốc bôi cổ điển tới điều trị hiện đại như chiếu laser, điện di, tiêm meso, tái tạo da bằng hoá chất (peel da)... có thể làm mờ vết nám, tàn nhang. Tuy nhiên, theo bác sĩ Duy, không có phương pháp nào là tối ưu. Mỗi phương pháp có ưu, nhược điểm, chi phí khác nhau tùy vào vị trí, diện tích, mức độ vùng da cần điều trị và nhu cầu riêng của mỗi người. Phương pháp nào cũng cần có thời gian để phát huy tác dụng và đôi khi cần phải thực hiện nhiều lần mới thấy sự cải thiện.
"Có thể điều trị hiệu quả nám, tàn nhang nhưng kết quả này khó có thể duy trì vĩnh viễn", bác sĩ Duy cho hay, thêm rằng nếu làn da không được bảo vệ khỏi các nguyên nhân gây tăng sắc tố như UV, sự lão hóa, da không được chăm sóc đúng cách... thì tình trạng này có thể trở lại, thậm chí nặng hơn ban đầu.
Tùy theo loại tăng sắc tố, mức độ nặng nhẹ, số lượng, kích thước, vị trí, bác sĩ da liễu - thẩm mỹ da tư vấn liệu trình phù hợp cho mỗi người bệnh. Các phương pháp này chủ yếu tập trung ức chế quá trình sản xuất melanin dưới da - nguyên nhân gây ra tăng sắc tố và loại bỏ lượng melanin dư thừa này.
Phương pháp cổ điển và dễ thực hiện nhất là thoa thuốc có chứa các hoạt chất ức chế hình thành melanin như azelaic axit, tranexamic axit, retinoids, axit ascorbic, niacinamide... Chúng giúp ức chế quá trình hình thành tàn nhang, sạm nám mới, làm sáng da.
Peel da bằng axit glycolic, axit alpha hydroxy và axit salicylic có tác dụng loại bỏ lớp da sẫm màu trên cùng chứa các sắc tố dư thừa, thúc đẩy tái tạo lớp da mới đều, sáng màu hơn.
Chiếu laser phá hủy melanin giúp mờ nám da, tàn nhang mà không ảnh hưởng đến vùng da bình thường xung quanh. Tia laser còn kích thích tăng sinh collagen và elastin dưới da nhằm trẻ hóa da, mờ thâm, đều màu, sáng da.
Tiêm meso, điện di đưa các hoạt chất có khả năng ức chế quá trình sản sinh sắc tố vào da, nhờ đó tàn nhang và nám má mờ dần. Bác sĩ Duy cho biết tiêm meso giúp thuốc vào sâu hơn, đạt hiệu quả tốt hơn thuốc thoa hoặc điện di.
Trong và sau khi điều trị tàn nhang, nám má, tăng sắc tố da, người bệnh nên thoa kem chống nắng có chỉ số SPF từ 30 trở lên khi ra ngoài, kết hợp che nắng bằng mũ, quần áo dài tay, khẩu trang... Quá trình điều trị cần tuân thủ chỉ định của bác sĩ về liều dùng thuốc, chế độ dinh dưỡng, chăm sóc da. Người bệnh cũng nên tránh sử dụng sản phẩm chăm sóc da chứa cồn, hương liệu, xà phòng... vì sau khi điều trị làn da rất nhạy cảm, dễ bị kích ứng, khiến tàn nhang, sạm nám quay trở lại. Nên tái khám định kỳ để bác sĩ theo dõi và chữa sớm khi tăng sắc tố tái phát.