Phế cầu tấn công gây bệnh khi nào?
Khi hệ miễn dịch suy giảm, viêm đường hô hấp, vi khuẩn phế cầu có thể nhân cơ hội xâm lấn, gây viêm phổi, viêm màng não, nhiễm trùng huyết.
Bác sĩ Trần Huỳnh Tấn, Quản lý Y khoa Vùng 1 - Hồ Chí Minh, Hệ thống tiêm chủng VNVC, cho biết phế cầu thường cư trú ở vùng mũi, họng của con người. Vi khuẩn lây truyền giữa người với người thông qua ho, hắt hơi và tiếp xúc cơ thể gần như hôn.
Khi gặp điều kiện thuận lợi như hệ miễn dịch suy giảm, viêm đường hô hấp, vi khuẩn có thể nhân cơ hội gây bệnh. Tùy theo vị trí vi khuẩn phế cầu tấn công, người bệnh có thể bị viêm tai giữa, viêm xoang, viêm phế quản, viêm phổi, viêm khớp, viêm tủy xương, viêm màng não, nhiễm trùng huyết.
Mới đây, Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương (TP HCM) ghi nhận người phụ nữ 59 tuổi (ở Hà Giang) sốt cao 39 độ C, đau đầu dữ dội, nôn ói, kèm giảm ý thức, lơ mơ và nguy kịch. Xét nghiệm cho thấy bệnh nhân viêm màng não do vi khuẩn phế cầu. Trước đó, bà bị viêm tai giữa nhiều năm, song không điều trị. Bác sĩ nhận định nhiễm trùng viêm tai giữa có thể tạo điều kiện cho vi khuẩn phế cầu xâm lấn gây ra viêm màng não cho bệnh nhân.
Giải thích về cơ chế vi khuẩn tấn công gây viêm màng não, bác sĩ Tấn cho biết mầm bệnh xâm nhập vào máu, đi vào dịch não tủy giải phóng chất độc, gây ra viêm và sưng não. Bệnh có thể xảy ra thứ phát do vi khuẩn phế cầu ở ổ nhiễm trùng trong phổi hoặc tai, xương chũm, xoang cạnh mũi... lây lan trực tiếp vào máu và đi đến não. Bên cạnh đó, người bệnh có các tổn thương như vỡ nền sọ gây rò rỉ dịch não tủy cũng tạo điều kiện cho vi khuẩn trong xoang cạnh mũi, vòm họng hoặc tai giữa tấn công gây viêm màng não.
Khi não bị tăng áp lực, người bệnh có các triệu chứng sốt, nôn ói, đau đầu dữ dội, sợ ánh sáng, co giật, lú lẫn... Nếu không cấp cứu kịp thời, các triệu chứng sẽ tiến triển nhanh chóng, gây sốc và có thể tử vong. Tỷ lệ tử vong lên đến 50%.
Trường hợp qua khỏi, 30-50% bệnh nhân có nguy cơ cao tàn tật vĩnh viễn như liệt, điếc, mù, tổn thương não, thiểu năng trí tuệ, gây ra những chấn thương tâm lý cực kỳ nghiêm trọng cho người bệnh và gia đình.
Viêm màng não do phế cầu có thể gặp ở mọi đối tượng, nhưng một số người có nguy cơ cao mắc bệnh hơn gồm trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ dưới 2 tuổi; người lớn trên 65 tuổi; những người mắc bệnh lý mạn tính như tim, thận, gan, đái tháo đường, cấy ghép ốc tai điện tử hoặc đang điều trị ảnh hưởng đến hệ thống miễn dịch. Người hút thuốc lá và lạm dụng bia rượu cũng có nguy cơ mắc bệnh cao hơn.
Một nghiên cứu trên nhóm hơn 2.500 trẻ mắc viêm màng não do vi khuẩn tại Bệnh viện Nhi đồng 1 và Nhi đồng 2 (TP HCM) giai đoạn 2012-2021 đăng trên Thư viện Y khoa Mỹ, cho thấy phế cầu là tác nhân gây bệnh phổ biến nhất, chiếm 86,1%, tiếp theo là H influenzae (7,6%) và não mô cầu (6,3%).
Phế cầu có thể kháng kháng sinh khiến việc điều trị gặp nhiều khó khăn. Bên cạnh đó, vi khuẩn dễ bội nhiễm với các mầm bệnh như cúm, sởi, não mô cầu... gây trở nặng. Theo nghiên cứu, người mắc cúm bội nhiễm phế cầu tăng nguy cơ tử vong gấp 8 lần. Tỷ lệ tử vong do bệnh phế cầu xâm lấn có thể lên đến 25%, dù được điều trị kháng sinh hợp lý.
Để phòng bệnh do phế cầu, tiêm chủng là biện pháp hiệu quả. Vaccine giúp phòng bệnh do các chủng phế cầu lên đến 97%, đồng thời giảm tỷ lệ người lành mang vi khuẩn. Hiện Việt Nam có ba loại vaccine phòng các bệnh do phế cầu chủng ngừa cho trẻ từ 6 tuần tuổi và người lớn. Trong đó loại phế cầu 10 dành cho trẻ từ 6 tháng đến 5 tuổi, loại phế cầu 13 dành cho trẻ từ 6 tuổi và người lớn, loại phế cầu 23 dành cho người từ 2 tuổi.
Lịch tiêm vaccine tùy theo độ tuổi và lịch sử chủng ngừa. Bác sĩ Tấn khuyến cáo phối hợp các vaccine ngừa phế cầu để hiệu quả bảo vệ lâu dài và toàn diện hơn. Nên hoàn thành lịch tiêm ngừa phế cầu 13 trước khi tiêm phế cầu 23.
Ngoài ra, bác sĩ Tấn lưu ý hiện có nhiều tác nhân gây viêm màng não khác đã có vaccine phòng ngừa như cúm, sởi, thủy đậu, não mô cầu... Người dân nên tiêm chủng bổ sung đầy đủ.
Ngoài vaccine, mọi người cũng nên thường xuyên rửa sạch tay, mang khẩu trang khi đến nơi đông người và tránh tiếp xúc với nguồn gây bệnh. Mọi người cũng không nên sử dụng chất kích thích, uống rượu bia, tránh hút thuốc lá và hít khói thuốc lá thụ động. Ăn uống đủ chất dinh dưỡng, ngủ nghỉ hợp lý để tăng cường sức đề kháng và nâng cao thể trạng bằng thường xuyên vận động. Với người mắc bệnh viêm tai giữa, viêm xoang, viêm mũi họng... cần tuân thủ việc điều trị. Khi không may mắc bệnh cần đi khám càng sớm càng tốt.