Phát hiện ung thư trực tràng từ dấu hiệu đau bụng
TP HCMÔng Liêm, 58 tuổi, gần đây bụng khó chịu, bác sĩ nội soi kiểm tra tiêu hóa khi khám tổng quát chẩn đoán ung thư trực tràng giai đoạn sớm.
Kết quả nội soi đường ruột, chụp cộng hưởng từ (MRI), chụp cắt lớp vi tính (CT) của ông Thân Thanh Liêm, tại Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, ghi nhận khối tổn thương 1,2x1,4 cm, cách rìa hậu môn 10 cm. Ở đại tràng xuống có hai polyp, kích thước 0,3-0,6 cm và một polyp ở đại tràng góc gan 1 cm.
Ngày 1/4, tiến sĩ, bác sĩ Đỗ Minh Hùng, Giám đốc Trung tâm Nội soi và Phẫu thuật Nội soi Tiêu hóa, cho biết ông Liêm bị ung thư trực tràng giai đoạn sớm, cần phẫu thuật sớm để ngăn ngừa tế bào ung thư tiến triển. Ở giai đoạn sớm, tế bào ung thư chỉ mới ở lớp niêm mạc hoặc lớp dưới niêm mạc, chưa xâm lấn lớp cơ hay sâu hơn, chưa di căn hạch bạch huyết lân cận. Khi đó, phẫu thuật cắt trọn khối u hiệu quả cao hơn.
Ông Liêm được nội soi cắt ba polyp ở đại trực tràng, đồng thời phẫu thuật nội soi qua ngả hậu môn cắt trọn khối u ở trực tràng. Đây là kỹ thuật không xâm lấn, không để lại sẹo.
Khối u nằm khá xa hậu môn, phẫu trường hẹp khiến bác sĩ mổ khó khăn. Kết quả giải phẫu bệnh khẳng định ung thư trực tràng giai đoạn sớm và polyp biểu mô tuyến ống lành tính, có nghịch sản biểu mô độ thấp.
Nhờ phát hiện sớm, loại bỏ kịp thời các tổn thương, người bệnh tránh được nguy cơ ung thư trực tràng tiến triển. Nếu phát hiện muộn, khối u lớn, tế bào ung thư lan sang các hạch bạch huyết lân cận hoặc di căn đến các cơ quan xa của cơ thể, quá trình điều trị phức tạp, tốn kém. Người bệnh có thể phải phẫu thuật nội soi ổ bụng, cắt đoạn ruột để loại bỏ khối u trực tràng, đồng thời kết hợp hóa xạ trị.
Hai ngày sau mổ ông Liêm ăn uống và đi lại bình thường, xuất viện sau 5 ngày. Người bệnh cần theo dõi, khám sức khỏe 3-6 tháng một lần và nội soi đại trực tràng mỗi năm một lần để theo dõi diễn tiến bệnh.
Bác sĩ Hùng cho biết ung thư đại trực tràng khá phổ biến trên thế giới, có xu hướng gia tăng và trẻ hóa. Điều trị bệnh ở giai đoạn đầu tỷ lệ sống sau 5 năm và lâu hơn 90%; khoảng 13% bệnh nhân phát hiện ở giai đoạn di căn xa sống hơn 5 năm. Ung thư đại trực tràng thường không có triệu chứng đặc hiệu, người bệnh dễ nhầm lẫn với các bệnh đường tiêu hóa khác, chủ quan không khám nên thường phát hiện ở giai đoạn muộn, khoảng 70-80%.
Bác sĩ Minh Hùng khuyến nghị nên khám sức khỏe, nội soi đường tiêu hóa định kỳ. Nhóm người có nguy cơ cao như trên 45 tuổi, tiền sử polyp đại tràng, từng mắc bệnh viêm ruột, béo phì, ít vận động, tiêu thụ nhiều thịt đỏ, ăn ít trái cây và rau xanh, uống nhiều rượu, hút thuốc lá... cần nội soi theo lịch hẹn của bác sĩ.
Người có triệu chứng rối loạn tiêu hóa, táo bón, đi ngoài phân ra máu, sụt cân bất thường, thường xuyên mệt mỏi cần đến ngay cơ sở y tế, bệnh viện có máy móc hiện đại để khám, điều trị kịp thời.