Phát hiện khối u não nhờ triệu chứng lạ ở mắt
AnhAmelie Williams được chẩn đoán có khối u não giai đoạn 4 sau khi bác sĩ nhãn khoa phát hiện mắt cô bé có dấu hiệu rung giật bất thường.
Đầu năm 2023, bà Lydia, 43 tuổi, nhận thấy con gái mình bắt đầu gặp khó khăn khi giữ thăng bằng. Trong một buổi khám định kỳ vào tháng 3, bác sĩ nhãn khoa phát hiện mắt cô bé 11 tuổi có biểu hiện "rung" và "giật".
Sau khi bà Lydia đưa con đến bác sĩ đa khoa, cô bé được chuyển đến bệnh viện để làm các xét nghiệm khẩn cấp. Kết quả cho thấy cô bé mắc u nguyên bào tủy giai đoạn 4, một loại ung thư não.
Ca phẫu thuật 10 tiếng đồng hồ để loại bỏ khối u thành công, nhưng gây ra biến chứng khiến Amelie tạm thời không thể đi lại, nói chuyện hay thậm chí cử động. Sau một năm ngồi xe lăn, làm hóa trị và xạ trị, cô bé hiện đã thuyên giảm.
Nhớ lại thử thách đau lòng của Amelie, bà Lydia chia sẻ: "Bác sĩ nhãn khoa nói với tôi: 'Hãy nhìn vào mắt con chị, có điều gì đó bất thường'. Tôi nhìn vào và thấy mắt con bé rung, giật. Cả tôi và bác sĩ đều không rõ con bị bệnh gì. Tôi được khuyên chuyển con đến bác sĩ đa khoa".
Sau khi chuyển đến Bệnh viện Royal United ở Bath, Amelie được làm hàng loạt xét nghiệm máu và chụp cộng hưởng từ (MRI). Khi ấy, bác sĩ cũng không biết cô bé sẽ sống được bao lâu.
U nguyên bào tủy là một khối u ác tính phát triển nhanh, chiếm tới 20% các khối u não ở trẻ em. Khoảng 70% trường hợp xảy ra ở trẻ dưới 10 tuổi. Các dấu hiệu thường gặp bao gồm thay đổi hành vi, khó phối hợp chân tay, đau đầu, buồn nôn và nôn. Theo MacMillan Cancer Support, cử động mắt bất thường và cảm thấy cực kỳ mệt mỏi là những dấu hiệu quan trọng chỉ dấu ung thư.
Theo tổ chức từ thiện Brain Tumour Charity, khoảng 80% trẻ em được chẩn đoán mắc u nguyên bào tủy sống được 5 năm hoặc hơn. Phương pháp điều trị thường bao gồm phẫu thuật cắt bỏ khối u, sau đó là xạ trị và hóa trị.
Tuy nhiên, các bác sĩ sớm phát hiện ra việc phẫu thuật đã gây ra hội chứng hố sau (PFS), một biến chứng của phẫu thuật u nguyên bào tủy, có thể dẫn đến vấn đề về giao tiếp, kỹ năng vận động và tâm trạng.
Bà Lydia nói: "Con bé không thể nói chuyện, không thể cử động, không mở mắt trong 24 giờ đầu tiên. Con bé chỉ có thể tự thở và phải học mọi kỹ năng từ đầu". Amelie cũng không nói được trong ba tuần, chủ yếu giao tiếp bằng ngôn ngữ ký hiệu.
Amelie cũng chia sẻ bản thân không thể nhìn thấy ai, không thể phản hồi những người xung quanh dù cảm nhận được họ ở cạnh. "Cháu thấy như cơ thể mình là một cái vỏ, cháu cố gắng gọi gia đình như miệng không cử động được", cô bé chia sẻ.
Sau 6 tuần nghỉ ngơi hậu phẫu, Amelie phải làm tiếp 6 tuần xạ trị, gây buồn nôn và rụng tóc, tiếp theo là 9 tháng hóa trị liên tục. Mặc dù việc điều trị gặp nhiều khó khăn, Amelie cho biết gia đình, bạn bè và các nhóm hỗ trợ trực tuyến đã giúp cô bé vượt qua.
"Đó là nỗi đau đớn đối với con bé, nỗi đau đớn đối với tôi mỗi ngày. Chúng tôi từng nói về một tương lai được đi dạo trở lại, tiếp tục nằm trên thảm cỏ, dưới ánh mặt trời, ngửi thấy mùi cỏ tươi", bà Lydia nói thêm.
Dần dần, với các buổi trị liệu ngôn ngữ và vật lý trị liệu, Amelie bắt đầu lấy lại khả năng vận động và nói chuyện. Em trai Arlo, 10 tuổi, cũng hỗ trợ chăm sóc và giúp cô bé làm một số bài tập về nhà.
Kể từ khi kết thúc điều trị vào tháng 3 năm nay, Amelie đã tiếp tục các buổi phục hồi chức năng và bắt đầu học trung học. Cô bé cho biết nghệ thuật đã hỗ trợ tinh thần và cả thể chất của em rất nhiều.
"Tôi nghĩ ung thư khiến mọi người sợ hãi, cả trẻ em và người lớn, và nó mang theo nhiều ý nghĩa tiêu cực. Nhưng bây giờ, là một gia đình đã trải qua điều gì đó như vậy, tôi cũng cảm thấy rằng ung thư không phải là dấu chấm hết", bà Williams nói thêm.