Phản ứng nhanh của 3 bác sĩ cứu đồng nghiệp khỏi cơn đột quỵ
SingaporeBác sĩ Wong đột quỵ khi chơi tennis ở chung cư, song may mắn sống sót vì được ba đồng nghiệp cấp cứu kịp thời.
Bác sĩ Christopher Wong, 56 tuổi, là chuyên gia tư vấn cấp cao tại Bệnh viện Woodlands Health. Ông bị đột quỵ, ngưng tim khi đang chơi tennis cùng ba đồng nghiệp. Họ là tiến sĩ Sohil Pothiawala, 47 tuổi; phó giáo sư Amila Punyadasa, 52 tuổi; và phó giáo sư Kenneth Heng, 54 tuổi. Cả 4 người là bạn bè hơn 20 năm, có thói quen chơi tennis hàng tuần từ năm 2020.
Sự việc xảy ra vào ngày 19/5 tại chung cư của ông Wong ở Bukit Timah. Trận đấu bắt đầu lúc 7 giờ sáng. Sau 45 phút, bác sĩ Wong cảm thấy choáng váng. Tuy nhiên, ông chỉ nghĩ rằng bản thân bị say nắng. Đến 8h30 phút, ông lại thấy chóng mặt và thông báo với những người khác: "Tôi không thể tiếp tục được nữa". Họ đưa cho ông một ly nước điện giải. Sau khi uống, ông gục xuống.
"Tôi không tìm thấy mạch của bác sĩ Wong, không thể tin được. Thật đột ngột khi một người bạn ngã quỵ ngay trên sân", tiến sĩ Sohil nói.
Giáo sư Amila và tiến sĩ Sohil ngay lập tức thực hiện hồi sức tim phổi (CPR) cho bác sĩ Wong, thay phiên nhau cứ hai phút một lần. Trong khi đó, giáo sư Heng gọi xe cứu thương và chạy khắp nơi tìm máy khử rung tim tự động (AED). Vì không có sẵn máy trong chung cư, ông phải chạy sang tòa nhà bên cạnh để mượn.
Khi giáo sư Heng quay lại, bác sĩ Wong đã bất tỉnh khoảng 15 phút. Giáo sư Amila nói: "Anh ấy trắng bệch. Lúc đó, tôi nghĩ rằng điều này sẽ thật tệ".
Tuy nhiên, cả ba không lựa chọn bỏ cuộc, họ tiếp tục cố gắng cứu sống người bạn. Sau khi họ khử rung tim cho bác sĩ Wong, nhân viên y tế của Lực lượng Phòng vệ Dân sự Singapore (SCDF) đến và tiếp tục sốc điện. Ông tỉnh lại vài phút sau đó và nghĩ rằng mình đã ngất xỉu.
"Tôi ở trong trạng thái mơ màng, tự hỏi mình có phải vừa chợp mắt không. Tôi đột nhiên thấy mọi người ấn vào ngực tôi và hỏi: 'Anh ổn chứ?", bác sĩ Wong kể lại.
Ông được đưa đến Bệnh viện Tan Tock Seng để nong mạch vành - một thủ thuật để mở rộng động mạch bị tắc nghẽn cho máu lưu thông - và xuất viện sau hai ngày. Ngoài một vài xương sườn bị gãy do CPR, sức khỏe của ông đã ổn định trở lại.
"Xương sườn có thể lành. Tôi thà chịu đau còn hơn là không bao giờ cảm thấy đau được nữa", bác sĩ Wong nói.
Giáo sư Amila, tiến sĩ Sohil và giáo sư Heng nhận được Giải thưởng Người cứu mạng Cộng đồng SCDF vào tháng 7 vì những nỗ lực anh hùng của họ.
Cả ba hy vọng người dân cũng có thể làm điều tương tự khi gặp các bệnh nhân đột quỵ bằng cách học thêm về CPR.
"Kể cả không phải bác sĩ, các bạn cũng có thể cứu người", giáo sư Heng nói.
Theo trang web của Hội Tim mạch Singapore, hơn 3.000 người bị đột quỵ hàng năm. Nếu được thực hiện CPR và sử dụng AED, tỷ lệ sống sót của nạn nhân có thể tăng lên đến 50%. Người phát ngôn của SCDF cho biết, tính đến tháng 9, có khoảng 11.300 máy AED được đăng ký công khai ở Singapore. Người dân có thể tìm thấy chúng ở sảnh thang máy các tòa chung cư trên toàn quốc, những nơi công cộng như ga tàu và trạm trung chuyển xe buýt.
Hiện tại, có 152 chung cư được đưa vào danh sách đăng ký. Việc lắp đặt AED không bắt buộc đối với các bất động sản tư nhân.
Sau sự việc, vào tháng 10, giáo sư Heng đã kết nối ban quản lý chung cư của mình với SCDF. Chung cư đã lắp đặt một máy AED công cộng trong khuôn viên. Bác sĩ cũng tập hợp khoảng 40 cư dân để đào tạo về CPR.
"Cuộc sống rất mong manh. Đột quỵ có thể xảy ra khi bạn chạy bộ, tập thể dục một mình", ông nói.