Phân biệt đau thận với đau lưng
Đau lưng thường xảy ra ở phần lưng dưới, trong khi vị trí đau thận cao và sâu hơn như ở nửa trên của lưng, có thể kèm sốt, nôn mửa, tiểu máu.
Thận là hai cơ quan nhỏ có hình dạng hạt đậu, nằm ở hai bên cơ thể, kích thước bằng nắm tay. Thận có chức năng quan trọng lọc nước, axit và chất thải từ máu, tạo ra nước tiểu để cơ thể tống chất thải ra ngoài. Thận bị tổn thương không thể thực hiện chức năng để duy trì sự cân bằng lành mạnh giữa muối, các khoáng chất như canxi và nước trong máu.
Thận cũng tạo ra các hormone giúp kiểm soát huyết áp, giữ cho xương chắc khỏe và tạo ra hồng cầu. Người bệnh nên theo dõi các dấu hiệu của bệnh thận hoặc tổn thương thận, chẳng hạn như cảm giác đau.
Đau thận là cảm giác khó chịu xuất phát từ khu vực thận, thường là cơn đau âm ỉ ở hai bên sườn, lưng hoặc bụng. Do đó, cơn đau thận dễ bị nhầm lẫn với cơn đau lưng thông thường. Có thể nhận biết đau thận với đau lưng qua một số điểm khác biệt về cảm giác, vị trí và triệu chứng.
Vị trí
Hai quả thận nằm ngay dưới lồng ngực ở hai bên tủy sống. Khi đau thận, người bệnh thường cảm thấy đau ở bên trái hoặc bên phải phần lưng dưới xương sườn. Đau có thể lan đến vùng bụng hoặc vùng bẹn.
So với đau lưng, cơn đau thận cao hơn và sâu hơn trong cơ thể. Người bệnh có thể cảm nhận nó ở nửa trên của lưng. Các vấn đề về lưng thường ảnh hưởng đến phần lưng dưới.
Dấu hiệu
Đau lưng thường bùng phát hoặc trở nên nghiêm trọng khi thực hiện một số hoạt động nhất định như cúi xuống hoặc nâng vật nặng, giảm khi điều chỉnh tư thế, tập thể dục. Trong khi đó, cơn đau thận không biến mất cả khi bạn nghỉ ngơi, thay đổi tư thế.
Các triệu chứng đi kèm
Tùy nguyên nhân, đau thận có thể kèm những triệu chứng khác. Bạn nên đi khám ngay nếu nhức mỏi cơ thể; mệt mỏi; đau âm ỉ liên tục vùng lưng; đau ở một bên sườn nhưng đôi khi cả hai bên, đau dữ dội, có thể theo từng đợt; đau lan đến vùng bẹn hoặc bụng; sốt; nôn mửa; đau khi đi tiểu; nước tiểu đục; tiểu ra máu.
Bác sĩ có thể thực hiện một số xét nghiệm để tìm ra nguyên nhân gây đau thận như:
Xét nghiệm máu kiểm tra các dấu hiệu nhiễm trùng hoặc sỏi thận, chức năng lọc chất thải từ máu của thận.
Xét nghiệm nước tiểu kiểm tra nhiễm trùng, protein và các chất khác trong nước tiểu do bệnh thận.
Siêu âm hoặc chụp cộng hưởng từ (MRI) kiểm tra chi tiết thận và các bộ phận khác của đường tiết niệu.
Phương pháp điều trị tùy vào nguyên nhân gây đau thận, như dùng thuốc kháng sinh nếu đau do nhiễm trùng. Trường hợp sỏi thận, bác sĩ có thể kê đơn thuốc để tống thải sỏi ra ngoài hoặc đề nghị phẫu thuật nếu sỏi kích thước lớn.
Để giảm đau thận tại nhà, người bệnh có thể sử dụng miếng đệm sưởi ấm trên lưng hoặc bụng; uống nhiều nước; tránh uống rượu hoặc đồ uống nhiều caffeine.