Nội soi gắp đồng xu trong dạ dày bé gái
TP HCMBé Trang, 7 tuổi, vô tình nuốt đồng xu gây nôn, đau bụng âm ỉ kéo dài hai tuần, được bác sĩ nội soi tiêu hóa gây mê lấy dị vật ngay trong ngày.
Người nhà cho hay khi phát hiện bé nuốt phải đồng xu liền đưa bé đến một bệnh viện cấp cứu. Bác sĩ phát hiện dị vật hình tròn, dẹp nằm ở thực quản. Lúc đó bé còn tỉnh táo, ăn uống được nên bác sĩ cho uống thuốc nhuận tràng, theo dõi một tuần thì xuất viện.
Hai tuần sau, bé vẫn hay nôn ói, đau bụng âm ỉ, đau họng, đến Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM kiểm tra. Ngày 25/10, BS.CKI Nguyễn Thanh Sơn Vũ, chuyên khoa Ngoại Nhi, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, cho biết kết quả chụp X-quang cho thấy đồng xu vẫn kẹt trong dạ dày trẻ, chỉ định nội soi tiêu hóa trên để gắp dị vật.
Bé Trang được gây mê nội soi dạ dày, các bác sĩ thành công gắp đồng xu ra ngoài. Dị vật không sắc nhọn nên không làm trầy xước hay đâm thủng đường tiêu hóa. Sau đó bé tâm lý ổn định, ăn uống bình thường, xuất viện sau một ngày.
Nuốt dị vật là tình trạng cấp cứu khá thường gặp, nhất là ở trẻ nhỏ, do thói quen ngậm đồ vật trong miệng, nhất là vật nhỏ, tròn dễ trôi vào cổ họng. Hóc dị vật có thể xảy ra khi trẻ khóc trong lúc ăn uống hay đùa giỡn, ăn thực phẩm dễ hóc như các loại quả có hạt (nhãn, chôm chôm), các loại hạt cứng, thạch rau câu, hạt trân châu...
Đa số trường hợp dị vật có thể ra ngoài theo đường tự nhiên, trẻ tự đi tiêu được. Tuy nhiên các dị vật nguy hiểm sắc nhọn như nam châm hoặc pin có thể làm tổn thương đường hô hấp, đường tiêu hóa gây viêm phổi, thủng ruột, viêm phúc mạc... Trẻ 1-5 tuổi, trẻ lớn chậm phát triển hoặc có vấn đề về tâm lý, nhận thức... dễ hóc dị vật do tính tò mò, thích bỏ vào miệng những gì rơi vào tầm tay.
Dị vật đi vào đường hô hấp có thể dẫn tới tắc nghẽn đường hô hấp quản gây khó thở, nguy kịch. Nếu không được cấp cứu kịp thời, nạn nhân có thể suy hô hấp cấp tính, làm thiếu oxy, tổn thương đến các cơ quan trong cơ thể.
Bác sĩ Vũ khuyến cáo phụ huynh nên giám sát hoặc không để trẻ chơi các món đồ chơi nhỏ. Khi phát hiện hay nghi ngờ trẻ bị dị vật đường thở, cần giữ bình tĩnh, tránh móc họng trẻ vì dễ đẩy dị vật vào sâu hơn hoặc dẫn đến nôn ói khiến hít sặc gây nguy hiểm.
Nếu trẻ vẫn tỉnh táo, không khó thở, vẫn khóc và nói được thì giữ nguyên tư thế ngồi, nhanh chóng đến bệnh viện. Nếu trẻ có biểu hiện tím tái, khó thở, ngưng thở, không khóc hay nói được thì gọi cấp cứu, sơ cứu bằng phương pháp vỗ lưng ấn ngực đối với trẻ dưới hai tuổi. Trẻ trên hai tuổi có thể dùng biện pháp ép bụng (phương pháp Heimlich).