Những yếu tố tăng nguy cơ viêm phổi
Thời tiết chuyển lạnh khiến miễn dịch suy yếu, mầm bệnh truyền nhiễm phát triển, cùng với ô nhiễm không khí, làm tăng nguy cơ viêm phổi.
Bác sĩ Hoa Tuấn Ngọc, Quản lý Y khoa Vùng 1 - Đông Nam Bộ, Hệ thống tiêm chủng VNVC, cho biết như trên trong bối cảnh thời tiết thất thường cuối năm. Bác sĩ chỉ ra các nguyên nhân tăng nguy cơ viêm phổi dưới đây:
Tác nhân bệnh truyền nhiễm
Phổi dễ bị virus, vi khuẩn tấn công dẫn đến viêm, phù nề các túi, ống phế nang, tổ chức kẽ. Các mầm bệnh phổ biến, thường gặp gồm cúm, Covid-19, sởi, sốt xuất huyết, phế cầu, Hib, bạch hầu, ho gà, uốn ván, thủy đậu, virus hợp bào hô hấp RSV, adeno virus, rhino virus...
Phổi bị viêm có thể chứa dịch, tụ mủ khiến quá trình trao đổi oxy và carbon dioxide trong phế nang bị rối loạn, gây sốt cao, ớn lạnh, ho, đau ngực, khó thở cho bệnh nhân. Trường hợp nặng có thể phải thở oxy, thở máy hoặc ECMO - hệ thống tim phổi nhân tạo. Các trường hợp tử vong do sởi, ho gà, cúm... ghi nhận từ đầu năm đến nay chủ yếu do viêm phổi, suy hô hấp dẫn đến tử vong.
Người viêm phổi còn có thể bội nhiễm thêm các tác nhân khác làm tăng nặng tình trạng bệnh. Vi khuẩn cũng có thể từ phổi đi vào máu gây ra viêm màng não, trụy tim, nhiễm trùng máu, sốc nhiễm trùng, tỷ lệ tử vong lên đến 50%. Ví dụ, người bị viêm phổi do cúm có thể bội nhiễm thêm vi khuẩn phế cầu tăng gấp đôi nguy cơ tử vong.
Ô nhiễm không khí
Ô nhiễm không khí do nhiều thành phần gây ra, như khói thuốc, khói, bụi mịn, các loại nấm mốc, đường cao tốc mật độ cao, công trường phá dỡ và xây dựng, khu công nghiệp, khu đốt rác thải lộ thiên...
Hồi tháng 1, Cục Y tế dự phòng dẫn thông tin từ Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và các nghiên cứu, cho biết ô nhiễm không khí làm tăng nguy cơ mắc các bệnh tim mạch, đột quỵ, ung thư còn có viêm đường hô hấp cấp, viêm phổi tắc nghẽn mãn tính, hen suyễn. WHO ước tính, ô nhiễm không khí trong nhà và ngoài trời dẫn đến 7 triệu người chết trên toàn cầu mỗi năm (số liệu cung cấp năm 2018).
UNICEF hồi tháng 6 ước tính ô nhiễm không khí gây ra ít nhất 70.000 ca tử vong mỗi năm ở Việt Nam , dẫn tới tuổi thọ trung bình bị rút ngắn 1,4 năm. Trong đó, trẻ em dưới 5 tuổi có nguy cơ cao mắc các bệnh nhiễm trùng đường hô hấp cấp tính như viêm phổi. Tổ chức này dẫn một nghiên cứu mới trên 15.000 trẻ em ở TP HCM đã chứng minh mối liên hệ giữa các triệu chứng đường hô hấp và chất lượng không khí kém trong nhà do hút thuốc thụ động và nấu ăn bằng than, củi hoặc dầu hỏa.
Viêm phổi do hóa chất
Viêm phổi do hóa chất hiếm gặp nhưng có tỷ lệ tử vong cao. Có rất nhiều hóa chất có thể gây ra viêm phổi, bao gồm các chất dạng lỏng, dang khí và dạng hạt nhỏ như xăng, dầu diesel, dầu hoả, dầu mazut, dầu thắp, các loại sơn... Một số hóa chất chỉ gây bệnh tại phổi, một số hóa chất khác ảnh hưởng đến toàn thân và nhiều cơ quan khác, có thể gây tử vong. Người nhiễm hóa chất có biểu hiện chung gồm cay mắt mũi miệng, môi, ho khan, ho có dịch màu, đau ngực, khó thở, mất phương hướng.
Không khí lạnh
Theo bác sĩ Ngọc, mùa lạnh, ẩm ướt, mưa, kèm khô hanh là điều kiện thuận lợi cho các vi sinh vật gây bệnh ở đường hô hấp phát triển, thường gặp gồm phế cầu, não mô cầu, H.influenzae, tụ cầu, liên cầu, vi nấm... Cùng với yếu tố suy giảm miễn dịch, có bệnh nền, cảm lạnh, dinh dưỡng kém, hút thuốc lá, mầm bệnh sẽ phát triển rầm rộ gây viêm phổi cho người mắc.
Cách phòng ngừa
Bác sĩ Ngọc lưu ý để phòng viêm phổi, mọi người nên tiêm phòng các bệnh đã có vaccine ở Việt Nam. Hiện có hai loại vaccine cúm tứ giá giúp phòng 4 chủng cúm gồm cúm A (H1N1, H3N2) và cúm B (Yamagata, Victoria), tiêm cho trẻ từ 6 tháng tuổi và người lớn. Sau lịch tiêm cơ bản, mỗi năm cần tiêm nhắc 1 mũi.
Với phế cầu, hiện có 3 loại vaccine gồm Synflorix (Bỉ) phòng 10 chủng phế cầu tiêm từ 6 tuần tuổi đến 5 tuổi; Prevenar 13 (Mỹ) phòng 13 chủng phế cầu, tiêm từ 6 tuần tuổi đến người lớn; Pneumovax (Mỹ) phòng 23 chủng phế cầu. Người từ 2 tuổi đã hoàn thành phế cầu 10 hoặc phế cầu 13 nên tiêm tiếp loại phế cầu 23 để ngừa đầy đủ các chủng phế cầu.
Vaccine sởi có mũi sởi đơn và mũi phối hợp sởi - rubella, sởi - quai bị - rubella, tiêm từ 9 tháng tuổi và từ 6 tháng tuổi tại vùng có dịch. Mỗi người cần tiêm ít nhất 2 mũi sởi. Phụ nữ nên tiêm vaccine sởi trước mang thai tốt nhất 3 tháng hoặc ít nhất 1 tháng.
Ngoài ra, có các loại vaccine đơn và phối hợp phòng các bệnh gây viêm phổi khác như não mô cầu, sốt xuất huyết, thủy đậu, 6 trong 1, 5 trong 1, 3 trong 1 phòng bạch hầu - ho gà - uốn ván, 2 trong 1 phòng bạch hầu - uốn ván.
Để tăng hiệu quả phòng bệnh, người dân kết hợp thêm một số biện pháp như: giữ nơi ở sạch sẽ và thoáng mát, mang khẩu trang khi ra đường, uống đủ nước, ăn đủ chất dinh dưỡng và thường xuyên vận động để nâng cao thể trạng. Người bị ốm cần đến bệnh viện càng sớm càng tốt, không nên tự uống thuốc.